Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trong 2 ngày 18-19/11. Nguồn: Bangkokpost/TTXVN

Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Nam Á cũng là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, dự kiến được tổ chức từ ngày 8/11 - 13/11 tại Phnom Penh, Campuchia; Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 15-16/11 tại Bali, Indonesia, và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok vào ngày 18-19/11.

Nikkei Asia cho biết, các cuộc họp này sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo từ những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Nga... và một số quốc gia mới nổi. Theo đánh giá, đây là một điều đặc biệt vì hiếm khi nhiều hội nghị quốc tế được lên kế hoạch tổ chức tại cùng một khu vực trong cùng một tháng.

Cuối tuần trước, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự các cuộc họp của ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh G20, và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ dự Hội nghị APEC. Tin từ Đại sứ quán Trung Quốc ngày 2/11 cũng cho biết, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao Liên quan được tổ chức tại Phnom Penh vào tuần tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo 18 nhà lãnh đạo của các nước thành viên APEC đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Bangkok. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết, Hội nghị Cấp cao APEC tại Thái Lan sẽ là phiên họp toàn thể đầu tiên trong 3 năm qua, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng sẽ tham dự các hội nghị trong tháng này ở ASEAN, trong khi khả năng hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn còn bỏ ngỏ.

Mặc dù thành phần tham dự thực tế và chương trình nghị sự của các cuộc họp ASEAN, G20 và APEC là khác nhau, nhưng các cuộc thảo luận được  ​​sẽ xem xét các cách thức để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế.

Trong khi các hội nghị G20 và APEC sẽ chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế, các hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến sẽ nhấn mạnh vào vấn đề chính trị và an ninh, với nhiều thách thức khu vực và toàn cầu như cuộc xung đột Ukraine, căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20, hy vọng hội nghị sẽ thảo luận về việc giá năng lượng và lương thực tăng cao, vốn đang cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Joko nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa đa phương là cách hiệu quả nhất để vượt qua những thách thức chung”.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Nikkei Asia, Bangkok Post & Khmertimes)