Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Lâu nay chúng ta đề cập nhiều về từ chức của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, các quốc gia có chế độ đa đảng. Tuy từ chức là bình thường, xu thế chung ở nhiều nước nhưng không phải tất cả những nhà lãnh đạo sẵn sàng từ bỏ chức vụ, quyền lợi của mình. Có chăng chỉ người nào cảm thấy không còn đủ uy tín, sai lầm trong lãnh đạo, xảy ra sự cố trong quản lý và có dư luận nhạy cảm về đời tư mới tự nguyện từ chức. Từ chức thường có 2 loại: Từ chức tự nguyện và từ chức do “sức ép”. Theo đánh giá chung, chỉ có tỷ lệ nhỏ là tự nguyện. Loại bị sức ép đến từ nhiều phía: Trong nội bộ đảng cầm quyền, từ đảng đối lập, dư luận của truyền thông, phản ứng từ phía người dân và ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa.

Nhìn trong bộ máy công quyền các nước chúng ta dễ lầm tưởng như là “tự nguyện”, là “văn hóa”, xử sự như là việc bình thường, tuy không phải hoàn toàn giống nhau. Các nước châu Phi, Trung Đông thường bị ảnh hưởng bởi phản ứng của dân chúng về chính sách hà khắc, tham nhũng dẫn đến biểu tình buộc các chính khách phải từ chức. Các nước châu Âu ảnh hưởng bởi dư luận của báo chí, truyền thông và phản đối của người dân. Điển hình như cựu Thủ tướng Anh Cameron là ví dụ. Ông phải rời bỏ chính trường khi có 51% dân chúng bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về rời khỏi Brexit. Dù tỷ lệ quá bán rất thấp, nhưng ý nguyện của đa số dân chúng trái với quan điểm chính trị của ông, mặc dù không có sai phạm trong lãnh đạo và đời tư. Một số lãnh đạo ở các nước khi có “lùm xùm” về một vấn đề nào đó hay vì trách nhiệm cá nhân để xảy ra sự cố trong phạm vi quản lý của mình đều phải “tự động” từ chức nếu không muốn bị lên án, quy trách nhiệm.

Mới đây, người đứng đầu cảnh sát Nhật đã thông báo ý định từ chức khi có lỗ hổng trong nghiệp vụ để cựu Thủ tướng Abe bị ám sát. Đó là một trong những trường hợp họ tự nguyện từ chức khi không còn đủ uy tín nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng tại Nhật những vị Thủ tướng trước đó cũng đã từ chức vì lý do không dẫn dắt được đảng của họ giành chiến thắng trong bầu cử hoặc cạnh tranh chính trị...

Xét về khách quan thì từ chức là bình thường khi bản thân không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mất uy tín. Chức vụ của xã hội đâu phải của riêng ai mà cố giữ, cũng không thể “ôm” được cả đời cho riêng mình? Đó chỉ được xem là một “nghề”, một công việc, khi không còn làm được nữa thì phải nhường lại cho người khác là lẽ đương nhiên.

Lãnh đạo ở Việt Nam do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, khi cảm thấy không còn đủ uy tín thì từ chức cũng là nghĩa vụ và thể hiện trách nhiệm nêu gương. Thế nhưng từ trước đến nay, việc từ chức của chúng ta đang được xem như một “sự kiện lớn” đối với người từ chức và từ phía dư luận xã hội. Xác định từ chức là bình thường để tạo tâm lý bình thản, an nhiên đối với từ chức là yêu cầu cần thiết. Những trường hợp tổ chức dưới hình thức gợi ý làm đơn theo “nguyện vọng cá nhân” chỉ là để giải tỏa tâm lý, tạo điều kiện cho họ “tự nguyện” dưới danh nghĩa tự giác. Cách thức tạo sức ép như ở các nước đã có từ lâu nay trở thành nếp xử sự và nét “văn hóa từ chức”. Đó cũng là một trong những giải pháp được rút ra bài học cho chúng ta.

Thông báo Kết luận 20-KL/TW ngày 8/9/2022 của Bộ chính trị đã nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Khi đã bị kỷ luật và uy tín giảm sút thì chỉ còn cách duy nhất là xin từ chức, không thể cố níu giữ, kéo dài thời gian, tạo nên dư luận xấu. Đó là thông điệp mạnh mẽ về công tác cán bộ của Đảng, là áp lực cần thiết về mặt tổ chức và đó cũng là thực tế về từ chức do “sức ép”.

Mặt khác, thông báo cũng mở đường cho cán bộ còn trẻ có cơ hội tiếp tục phấn đấu theo quan điểm “có lên, có xuống, có vào, có ra”, tạo nên tiền lệ, dần trở thành bình thường. Kết luận 20 không chỉ quy định trong cán bộ cấp cao mà phải được áp dụng cả với lãnh đạo từ cấp cơ sở, cần làm sớm ngay sau khi có quyết định kỷ luật hoặc có dấu hiệu mất uy tín. Trong phạm vi nhất định, cần có sự kết hợp giữa tự nguyện trong danh dự, sức ép của tổ chức và khuyến khích tính tự trọng cá nhân.

Từ thực tế các nước trên thế giới cần được nghiên cứu, từng bước hiện thực hóa từ chức trong nền hành chính ở nước ta. Những cán bộ bị kỷ luật gần đây được Đảng cho nghỉ công tác theo “nguyện vọng cá nhân” là một bước chuyển để dần dần “bình thường hóa” từ chức của cán bộ. Đó chính là “sức ép” cần thiết của tổ chức khi chưa đủ chín muồi của “văn hóa từ chức”, tiến tới những người chưa bị kỷ luật nhưng tự xét thấy không thể đảm đương được trách nhiệm cũng phải “tự giác” rút lui trong danh dự.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH