Khung cảnh công viên nước hồ Thủy Tiên. Ảnh: D. Trương

Nói trả về là bởi, nguyên thủy của đồi Thiên An là một đồi thông rất đẹp, thơ mộng, bao quanh một hồ nước có tên gọi hồ Thủy Tiên. Từ khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, du lịch chưa phát triển thì Thiên An đã là một nơi thu hút nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người trẻ, chủ yếu là trong tỉnh đến đây vui chơi, cắm trại. Nói chung, Thiên An nguyên thủy là một không gian đẹp dành cho công cộng.

Thế rồi du lịch dần phát triển, một “ai đó” đã nhanh tay “xí phần” nhưng làm không ra trò trống gì. Kinh doanh cũng không được mà không gian dành cho cộng đồng cũng không. Công viên nước hồ Thủy Tiên từ đó trở nên hoang hóa.

Tính từ năm 2004 (năm giao cho chủ đầu tư) đến nay đã là 18 năm. Khi nhìn lại thời gian, chúng ta giật mình cảm thấy nuối tiếc khi chừng ấy năm, một không gian đẹp như thế mà chẳng biết để làm gì.

Nhìn ở khía cạnh nào đó, cung cách quản lý một tài sản công của chúng ta chưa thật sự tốt. Xử lý việc sử dụng một tài sản công chưa tốt cũng chậm. Nhưng chậm còn hơn không. Nghe thông tin phục hồi và trả không gian đẹp Thiên An về cho cộng đồng, nhiều người vui mừng là vậy.

Khi đô thị ngày càng phát triển, kinh tế phát triển kéo theo thu nhập tăng, không gian đô thị bị ken chặt bởi những công trình… nó phát sinh một nhu cầu rất thực là nhu cầu dã ngoại của người dân. Giới trẻ thì càng khao khát điều này. Việc tạo ra những không gian công cộng ven Huế để phục vụ cho nhu cầu này là một việc làm cần thiết. Vừa đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của người dân, vừa tạo ra những địa chỉ ấn tượng để thu hút du khách. Làm kinh tế để tạo ra tiền là cần thiết. Nhưng trong nhiều tình huống, chẳng làm gì cả, cứ để một cảnh quan đẹp, nguyên sơ, thiên nhiên… tự nhiên như thế, nhiều khi lại tạo ra nhiều tiền hơn. Lúc này tiền không phải là thứ cụ thể nữa mà nó đã chuyển hóa thành những giá trị. Mà đã trở thành giá trị vô hình thì không thể quy đổi, rằng nó là bao nhiêu tiền, hàng năm từ nó đóng góp cho ngân sách được bao nhiêu. Nó cũng giống như nói đến sông Hương là người ta biết đến Huế. Nói đến hồ Xuân Hương là người ta nhận biết Đà Lạt, nói đến hồ Tây là biết đến Hà Nội…

Những năm gần đây, Huế ngày càng tạo ra nhiều giá trị công cộng mà có thể nói toàn là những thứ đặc sắc. Ví dụ như không gian hai bên bờ sông Hương; cầu đi bộ gỗ lim, đồi Vọng Cảnh… Thiên An đã nổi tiếng từ lâu, giờ chỉ chỉnh trang lại là thên một địa chỉ về cảnh quan thiên nhiên đẹp của Huế. Chúng ta càng tạo ra nhiều địa điểm tham quan thì cũng có thể là điều kiện để thu hút thêm du khách, kéo dài thêm ngày lưu trú, thu được thêm ở mảng dịch vụ… Đấy cũng chính là thu thêm được tiền vậy!?

Nguyên Lê