Chẳng đau chẳng ốm, buổi chiều vẫn còn ăn uống bình thường, nhưng đến đêm, bỗng nghe tiếng thở của mẹ có vẻ khác lạ. Anh tung màn xem thì thấy nét mặt bà đã đổi sắc, thở khò khè, bọt mép sủi. Quá hoảng, anh chạy vội sang nhà ông bác sĩ ở ngay phía đối diện kêu cứu. Nghe nói qua, vị bác sĩ lạnh tanh: “Tôi sang cũng chẳng làm gì được, gọi xe cấp cứu mà chuyển bà đến bệnh viện đi”. Nói xong, ông dắt xe nổ máy bảo đi có việc, năn nỉ kiểu gì cũng đành đoạn…

Anh bết bải chạy trở lại nhà, vừa gọi xe cấp cứu, vừa lục trí nhớ tất cả các mối quan hệ. May quá, có người quen là y tá đây rồi. Run run bấm số, vừa nghe nói, người y tá này đã vội đến ngay, đo mạch, xem mắt… Rồi xe cấp cứu tới, cùng giúp chuyển ra xe để bệnh nhân đi viện.

Sau cùng thì bà mẹ cũng không qua khỏi. Khi chuyển đến bệnh viện, thăm khám kỹ bệnh tình, bác sĩ lắc đầu, và khuyên anh hãy để cho mẹ “đi” được nhẹ nhàng. Bởi tuổi bà đã cao, bây giờ sốc điện kích tim chưa chắc thành công, lại còn hành hạ thân xác…

Trong bộ đồ tang trắng toát, anh như người thất thần bởi nỗi đau mất mẹ đến thật đột ngột. Dẫu biết ngày này thế nào cũng tới, nhưng những nghĩ, ít ra cũng phải có một thời gian chăm nom cho mẹ những ngày ốm đau để được đền đáp một chút ơn nghĩa sinh thành. Ai ngờ… Mẹ không bệnh, khỏi giày vò thân xác, cũng đỡ khổ cho con cái phải chăm nom. Nhưng nhanh quá, như một câu kinh anh đã từng nghe: “thân như điện ảnh…”. Chẳng kịp đưa cho mẹ một viên thuốc, bón cho mẹ một muỗng cháo, càng nghĩ, anh càng không cam lòng…

Xóm giềng lần lượt đến viếng và chia buồn, mỗi lần tiễn khách, anh lại đưa mắt nhìn sang bên kia đường, phía có nhà ông bác sĩ láng giềng, thầm mong ông đừng đến viếng. Như thế có lẽ tốt hơn, đỡ cho anh phải đón tiếp, phải nhìn nhau gượng gạo, bẽ bàng. Là bác sĩ, ông nghe qua và “chỉ định” gọi xe chở người bệnh đi bệnh viện là đúng. Mà cho dù ông có không chỉ định thì anh và gia đình cũng sẽ phải hành xử như vậy. Nhưng giá như trong lúc gọi xe, ông bác sĩ kia chịu khó bước sang ít phút, dù chỉ để bắt cái mạch, nói ít câu, như thế cũng đủ giúp anh đỡ chơi vơi và cảm thấy yên tâm ít nhiều. Đấy là chưa nói, với chuyên môn của mình, biết đâu chỉ một vài phút có mặt và can thiệp sớm, ông bác sĩ sẽ giật lại được tính mạng người bệnh khỏi tay tử thân do “thời gian vàng” chưa hết.

Nghe chuyện của anh, nhiều người trong xóm buồn lây nhưng lại không hề ngạc nhiên chút nào. Bởi lẽ, nhiều người trong số họ đã từng ít nhất một lần được “trải nghiệm” cái y đức của ông bác sĩ láng giềng nọ. Và họ bảo, hình như ông ấy đã đi lộn nghề…

Thượng Bích