Tôi đã từng đặt chân đến Mungyeong, Deagu, Gyeongju, Busan và tất nhiên là đã lưu lại vài ngày ở Soeul (thủ đô của Hàn Quốc), nhưng Itaewon là cái tên bây giờ mới biết. Đáng tiếc là định danh này đã không được ghi nhớ như một dấu ấn được lưu lại về một điểm du lịch nổi tiếng, như một “thị trấn phương tây” giữa thủ đô tấp nập, với sự hội tụ của ẩm thực đến từ nhiều nơi trên thế giới, những nhà hàng đông đúc xuyên đêm và là nơi gặp gỡ của công dân đa quốc gia.

Con số 156 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương do vụ giẫm đạp trong một con phố nhỏ tối 30 đến sáng 31/10 vừa qua đã gắn Itaewon vào một sự cố ám ảnh. Chính xác hơn là một thảm họa được gây ra bởi đám đông không thể kiểm soát với hơn 100.000 người. Đa phần là người trẻ, họ đã ra đi nhiều nhất vì không thể thở được, vì bị thương do giẫm đạp, mắc kẹt, chen lấn, chèn ép… Có lẽ khi hướng đến một khu phố trong lễ hội Halloween với tinh thần vui vẻ, trẻ trung - nhất là một Halloween được tổ chức sau mấy mùa vắng lặng vì COVID-19 càn quét khắp nơi - nhiều người trong số họ đã không thể tưởng tượng rằng, đó là lần ra đi tức tưởi.

Thực ra, những sự cố bởi đám đông và vì đám đông không phải xảy ra lần đầu tiên ở Itaewon. Trong một cái nhìn ngược về những thời điểm gần nhất, chúng ta có cái tên Kanjuruhan (tên một sân vận động ở Indonesia), trong trận đấu giữa Arema FC với Persebaya Surabaya ở giải vô địch của nước này vào ngày 2/10/2022, với vụ giẫm đạp và bạo loạn làm 127 người chết. Năm 2015, 770 người đã thiệt mạng khi hành hương đến Mecca (Arab Saudi), chưa kể hơn 1.000 người bị thương. Một lễ hội té nước ở Campuchia vào năm 2010 đã lấy đi 347 mạng người và gần 800 người khác bị thương do sự hỗn loạn. Tại Huế, vào năm 1988, khoảng 20 người đã rơi xuống sông rồi không bao giờ trở về nhà, trong một sự cố sập cầu Kho Rèn khi đám đông hiếu kỳ tụ lại để xem cơ quan chức năng làm việc để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của một tử thi…

Hẳn nhiên là người ta sẽ đề cập đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền những nơi xảy ra sự cố, thảm họa. Người ta cũng đề cập rất nhiều về các kỹ năng để thoát ra được “những đám đông nguy hiểm”, cách tạo ra những không gian cá nhân cũng như các quy tắc an toàn khác. Rất nhiều chuyên gia xử lý sự cố, các y, bác sĩ hay những người làm công tác xã hội đã trao đổi về những điều này, kể từ lúc xảy ra vụ Itaewon. Sau giật mình, sau ám ảnh, sau lo âu và sau những cú sốc tâm lý… những người trẻ có thể tiếp cận những kỹ năng này từ các không gian nghe/đọc/xem khác nhau, để tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và cần thiết. Khi gõ những điều này, tôi lại nhớ đến lời dạy của ba tôi ngày còn rất nhỏ. Ông luôn nói rằng, con nhớ không tham gia vào đám đông và hãy biết cách tránh xa nó!

Những người đã ra đi vì sự chèn ép, giẫm đạp bởi đám đông ở Itaewon - dù đau đớn và rất sốc nhưng cũng có thể nhìn từ góc độ tác động vật lý và cơ học. Còn những thất vọng khác, đổ vỡ khác, hụt hẫng và thậm chí là vơi vớt niềm tin khác trong cuộc đời này còn đến từ tác động tâm lý của loại thể khác, từ những hiệu ứng đám đông không-thấy-mặt nhưng lại tỏ ra rất hiểu biết và luôn có quyền nhận xét, phỉ báng người khác cả trên không gian mạng, cả trong những to nhỏ thầm thì tiêu cực trong muôn chiều cuộc sống. Những “Itaewon” kiểu này không có chen lấn, xô đẩy nhưng không khác gì những tác động bởi sự giẫm đạp, chèn ép. Không ít người đã phải tự mình tìm đến cái chết vì không đủ bản lĩnh đối diện, hay biết cách tự tin bỏ qua mọi điều.

Đó cũng là dạng thể mà con người cần phải được/tự trang bị kỹ năng để không bị “ngộp thở”.

MINH HÀ