Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng; lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống… là những gì đang diễn ra dịp cuối năm ở nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da dày, đồ gỗ. Điều này hoàn toàn trái ngược với diễn biến thị trường dịp cuối năm những năm trước.

Thực tế ở nước ta, với việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sớm mở cửa nền kinh tế cùng với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ đã giúp nền kinh tế nước ta hồi phục nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, được các định chế tài chính, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Nhờ vậy, tình hình lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 9 tháng năm 2021; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,08 triệu người, giảm 251 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ lệ 2,35%; thu nhập bình quân của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dù nền kinh tế nước ta đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giãn tiến độ sản xuất, người lao động thiếu việc làm đã xuất hiện. Ở Thừa Thiên Huế, tình trạng này đã có từ đầu tháng 10, ở các doanh nghiệp dệt may. Đây là điều bất thường so với thông lệ hàng năm. Bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp thường nhận được nhiều đơn hàng, tăng tốc sản xuất và người lao động thường phải tăng ca, tăng giờ làm để kịp xuất khẩu các đơn hàng phục vụ dịp Noen, tết dương lịch…

Lý giải điều này, theo các chuyên gia kinh tế, do dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, cùng với cú sốc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine dự báo làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia và dấy lên nỗi lo ám ảnh về lạm phát đình đốn. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên rất dễ bị tác động bởi các biến động của thị trường thế giới. Hiện các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang bị tác động nặng nề bởi các vấn đề trên, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên tác động bất lợi đến việc phục hồi, phát triển kinh tế ở nước ta. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động thiếu việc làm là hệ lụy không tránh khỏi.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự báo, những tháng còn lại của năm 2022, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của cả nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ sẽ có sự điều hành cho phù hợp với tình hình thực tế, còn với từng địa phương, doanh nghiệp việc chủ động thích ứng không chỉ trong kế hoạch ngắn hạn, mà cần cả xây dựng lộ trình trong dài hạn. Để ứng phó với tình trạng thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp linh hoạt trong điều tiết sản xuất, sẵn sàng nhận các đơn hàng nhỏ nhưng có yêu cầu cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn cung nguyên, vật liệu, đa dạng hóa thị trường để hạn chế các tác động tiêu cực. Tuy nhiên, về dài hạn, việc đầu tư phát triển các ngành phụ trợ để chủ động nguyên liệu trong nước là điều cần đặt ra đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp.

Trong “nguy” có “cơ”. Đây chính là động lực và thời điểm tốt để các ngành sản xuất nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng chuyển hướng đầu tư, nâng cao năng lực nội tại, nhằm thích ứng tốt hơn trước các biến động của thị trường và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hoàng Minh