Đất nước phát triển, Nhân dân ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của Đảng và Nhà nước ta (Trong ảnh: TP. Huế ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân). Ảnh: MC

Sau các vụ án Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương bị xét xử phúc thẩm tuyên mức án không thay đổi đã làm mất ý đồ kích động của các tổ chức bên ngoài, dù đã tìm mọi cách gây sức ép. Những đối tượng mới bị bắt là cơ hội nhằm tiếp tục tạo sự kiện mới, có cớ để lu loa về nhân quyền Việt Nam.

Phạm Sơn Tùng (Hà nội), Võ Thanh Thời (Quảng Ngãi), Bùi Tuấn Lâm (Đà Nẵng), Đặng Đăng Phước (Đắk Lắk) là những cái tên “cha căng chú kiết” mà người dân trong nước không biết tới đã nhanh chóng được các tổ chức bên ngoài vồ lấy như vớ được vàng. Trước đó, những cái tên Nguyễn Thúy Hạnh, Dũng vova, Lê Trọng Hùng, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… khi bị pháp luật “sờ gáy” cũng đã rộ lên những đợt phản ứng quyết liệt từ các tổ chức chống đối bên ngoài. Mặc dù các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và chịu mức án được tuyên nhưng chúng vẫn cố nặn ra “hình ảnh ở quốc nội”, xem đó như là những nhà “dân chủ”, “công dân yêu nước”, “nhà bất đồng chính kiến” nổi bật. Chúng không hết lời ca ngợi sự “đóng góp tích cực cho phong trào”, tố cáo sự “khủng bố trắng của chính quyền” và đòi “thả lập tức”, “không điều kiện” cho số bị bắt. Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế Mỹ (HRW) còn trắng trợn yêu cầu nhà nước Việt Nam bãi bỏ Điều 117 trong Bộ luật Hình sự, xem đó là sự “lạm quyền”, “trái thông lệ” quốc tế.

Một số báo, đài, trang mạng xã hội ở hải ngoại lập tức phụ họa “kẻ tung người hứng” để gây sức ép can thiệp với nhà nước Việt Nam. Ngay trước chuyến đi Nhật Bản dự lễ tang cố Thủ tướng Shizo Abe của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, HRW cũng đã bắn tiếng đề nghị Thủ tướng Nhật cần nêu vấn đề nhân quyền khi tiếp Chủ tịch nước Việt Nam.

Ở bất cứ nhà nước nào, quyền con người là tiền đề, điều kiện gắn với nhà nước, hiến pháp và pháp luật. Nhà nước sử dụng pháp luật vừa là công cụ bảo vệ người dân vừa mang tính quản lý xã hội, phục vụ trở lại quyền con người. Cao nhất của nhân quyền là được sống trong môi trường hòa bình, quyền được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc. Trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam - quyền con người được xác định là những quyền cơ bản, đánh giá bản chất của chế độ, xã hội. Tuy nhiên, nhiều tổ chức ở nước ngoài lợi dụng vấn đề nhân quyền để xâm phạm chủ quyền, vi phạm độc lập, lợi ích hợp pháp của Nhân dân ở các nước. Đó là vấn đề không thể chấp nhận. Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật thể hiện đầy đủ, minh bạch các quyền, nghĩa vụ công dân và những hành vi được xác định là vi phạm pháp luật. Không thể nói là đàn áp hay xét xử vô căn cứ với những “tù nhân lương tâm”, “người bất đồng chính kiến”, “đấu tranh ôn hòa”… Đó là những kẻ đã vi phạm pháp luật Việt Nam, xâm phạm lợi ích Nhà nước và các quyền hợp pháp của người dân. Những kẻ bị bắt là hoạt động trái pháp luật, tác động xấu đến an ninh, trật tự, nên chúng bị khởi tố, điều tra, xét xử là việc làm bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu thực tâm về quyền con người, các tổ chức mang danh nhân quyền nên có thái độ phê phán, lên án mới là thực tâm về nhân quyền. Đó cũng là cách tốt nhất để đem lại bình yên, quyền được sống trong hòa bình, hạnh phúc của đa số Nhân dân lao động. Động thái bênh vực, ủng hộ cho hoạt động chống phá chẳng khác nào cổ vũ cái ác, chống cái thiện. Câu hỏi đặt ra là họ có đủ tư cách nhân danh nhân quyền để phán xử hay không?

Nhân quyền là giá trị thiêng liêng của người dân ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Đây cũng là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch và các tổ chức phản động quốc tế được sự hậu thuẫn của phương Tây nhằm chống lại các nước mà chúng cho là không thân thiện (không tuân phục). Mục đích sử dụng vấn đề nhân quyền như một trong những vũ khí lợi hại để tấn công các nhà nước không đi theo quỹ đạo phương Tây, từng bước phá hoại sự ổn định chính trị, xã hội, bắt buộc tuân theo điều khiển của các nước lớn. Bài học về Ukraine từ sau chiến tranh lạnh với sự can thiệp của phương Tây đã làm cho nước này mất tự chủ, hỗn loạn phương hướng, nhân quyền bị đảo lộn sau “cách mạng Maidan”. Đó là một điển hình về nhân quyền đi đôi với lật đổ chế độ mà các nước lớn áp dụng để thực hiện với các quốc gia được cho là “không thân thiện”.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong những nước nằm trong mục tiêu chống phá, lật đổ của các tổ chức phản động quốc tế. Chúng tập trung các phương thức, thủ đoạn về nhân quyền, tôn giáo và gây mất ổn định xã hội, trong đó nhân quyền được chú trọng mạnh nhất. Lợi dụng nhân quyền được xem như một phương thức để tính toán các chiêu bài phá rối xã hội, cao hơn nữa là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Khi HRW và các tổ chức mang danh nhân quyền bất chấp sự thật, can thiệp vô lý cho hoạt động chống phá thì chính họ đang vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nguyên tắc nhân quyền nghiêm trọng nhất. Nếu thực sự mong muốn nhân quyền thực sự họ cần có hành động đúng đắn, phù hợp nhằm hướng tới các giá trị văn minh và tiến bộ.

Đất nước phát triển, Nhân dân ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của Đảng và Nhà nước ta. Những thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được cải thiện là sự nỗ lực không ngừng, đáp ứng quyền sống cao nhất của người dân. Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra định hướng đến năm 2045 trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao là mục tiêu cao nhất về nhân quyền ở Việt Nam.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH