Vật dụng đồ nhựa dùng một lần hiện rất phổ biến ở các quán ăn, đồ uống ở TP. Huế
Chúng tôi thường ghé vào quán cà phê trên đường Đống Đa (TP. Huế) để thư giãn sau giờ làm việc. Bao lần như thế, liếc vào chiếc bàn pha chế của cô chủ thấy đủ tất cả các loại đồ uống đều được đựng trong những chiếc ly nhựa, đi kèm muỗng nhựa, ống hút nhựa... Cũng không ít lần mấy cháu nhờ bố mua giúp trà sữa, tôi thường vào một tiệm có thương hiệu được nhiều bạn trẻ biết đến ở đường Nguyễn Huệ (TP. Huế). Ở tiệm này dù là khách ngồi uống tại chỗ hay mang đi, tiệm đều bán theo dạng combo, gồm ly, ống hút, muỗng, tất cả đều bằng nhựa. Khi tôi nêu thắc mắc vì sao không sử dụng ly bằng thủy tinh hoặc bằng sứ để uống ngon, lịch sự hơn, một nhân viên tại tiệm này cho biết: "Sử dụng ly nhựa dùng một lần để đỡ tốn thời gian rửa; uống xong chỉ việc vứt vào thùng rác".
Khảo sát nhanh ở một số quán bán thức ăn, giải khát trên các tuyến đường ở TP. Huế phần lớn có một điểm chung là đều sử dụng ly, muỗng, ống hút, hộp đựng mang về bằng nhựa bán cho khách, kể cả khách uống tại quán hoặc mang đi.
Một cán bộ công tác ở Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, đồ nhựa dùng một lần giá rẻ lại tiện dụng nên nó trở nên phổ biến trong đời sống của người dân. Vì thế lượng rác thải nhựa (RTN) ngày càng tăng lên, đây là thách thức lớn đối với môi trường sống.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, RTN khi vào môi trường tự nhiên phải cần tới 400- 500 năm để phân hủy hoàn toàn. Các vi hạt độc hại có trong đồ nhựa có thể phân tán ngấm vào lòng đất, nguồn nước, hủy hoại môi trường sinh thái. Chưa kể các loại đồ nhựa rẻ tiền, không đảm bảo an toàn, khi sử dụng các chất nguy hại có thể hòa tan với đồ ăn thức uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Hiện nay việc xử lý rác thải sinh hoạt, cũng như số lượng đồ nhựa dùng một lần thải ra nhiều gây quá tải, áp lực cho công tác xử lý rác thải của thành phố. Hơn nữa, ý thức phân loại rác tại nguồn của nhiều hộ dân chưa cao; không ít người vẫn còn vứt rác bừa bãi nơi công cộng, thậm chí cả mương, cống thoát nước gây ách tắc dòng chảy...
Để hạn chế việc sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, cần sự phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng đến ý thức của người kinh doanh, tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết hạn chế hoặc không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về tác hại sử dụng đồ nhựa này, nhất là sự độc hại của hạt vi nhựa. Đồng thời cần khuyến khích người dân, cơ sở kinh doanh sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và dễ tái chế sử dụng nhiều lần; khuyến cáo người dân tự ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, giữ gìn môi trường sống bằng việc nói không với đồ nhựa sử dụng một lần...
Mọi người nên đồng hành, thay đổi nhận thức đúng về đồ dùng sinh hoạt thân thiện môi trường khi hiện nay tỉnh nhà triển khai dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) hỗ trợ và tập trung xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Song Văn