Hiệp định RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia thành viên. Ảnh minh họa: Ban Thư ký ASEAN/TTXVN phát/VTV.vn
Trong khuôn khổ của một diễn đàn cấp cao, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết, trước đây, ASEAN đã nhiều lần đóng vai trò điều tiết trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại khu vực và vai trò này là then chốt đối với việc ký kết thành công hiệp định.
Theo ông Dato Lim Jock Hoi: “Các đối tác Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thường quan tâm đến việc tìm hiểu lập trường của ASEAN trước khi đưa ra quan điểm rõ ràng”.
Hiện nay, ASEAN cũng phải duy trì vai trò lãnh đạo này trong suốt giai đoạn thực hiện hiệp định RCEP.
Theo ông, trên thực tế, vai trò này của ASEAN không chỉ giới hạn trong khu vực. Nhóm khu vực phải đóng một vai trò lãnh đạo quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chính trị hiện nay. Chỉ ASEAN mới có thể cung cấp nền tảng để giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế đang gây nhức nhối trên thế giới. Khối ASEAN có thể đóng vai trò như cầu nối. Vị trí trung tâm của ASEAN là rất quan trọng đối với các sáng kiến như vậy.
Về vấn đề Ấn Độ tham gia RCEP, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết, cánh cửa vẫn rộng mở đối với nước này. Có nhiều yếu tố, nhưng thực tế quan trọng là Ấn Độ vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn. Ấn Độ có thể quay lại tham gia hiệp định bất cứ lúc nào.
Được biết, 15 quốc gia ký kết hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ấn Độ, một bên tham gia các cuộc đàm phán trong những năm đầu đã từ chối tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán, nhưng vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó, Shujiro Urata, Cố vấn nghiên cứu cao cấp của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, hiệp định RCEP đóng một vai trò lớn trong khu vực, nhất là việc đưa các nền kinh tế trở lại con đường phục hồi hậu tác động của đại dịch COVID-19.
“Vai trò này cũng sẽ tiếp tục đối với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tương lai. Vì vậy, việc thực hiện các cam kết mà các nước đối tác đưa ra là rất quan trọng”, ông Dato Lim Jock Hoi khẳng định.
Nhà nghiên cứu Sanchita Basu-Das chỉ ra rằng, tất cả các nước đối tác cũng cần thông qua các kế hoạch hành động quốc gia tương ứng để phù hợp với các chính sách khu vực của hiệp định. Điều cần thiết lúc này là phải có các chính sách hướng tới tương lai trong RCEP, liên quan đến số hóa và thương mại điện tử.
Trong một ý kiến khác có liên quan, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh kêu gọi cần có “một quỹ đầu tư để thúc đẩy năng lực của từng quốc gia, qua đó thúc đẩy thực hiện các điều khoản RCEP một cách suôn sẻ”.
Theo nhận định của chuyên gia, các nước thành viên RCEP ở các trình độ phát triển khác nhau và năng lực của các nước để thực hiện các điều khoản của hiệp định cũng khác nhau. Do đó, RCEP không thể bỏ qua những thách thức to lớn như số hóa và phát triển bền vững.
Điều quan trọng là các nước thành viên chỉ nên tập trung vào các lợi ích kinh tế của hiệp định RCEP. Không nên chuyển đổi RCEP như một nền tảng để theo đuổi các chiến lược địa chính trị.
Bên cạnh đó, ông Satvinder Singh cũng nhấn mạnh sự cần thiết tham gia của khu vực tư nhân. Tất cả các doanh nghiệp trong khu vực, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều được khuyến khích sử dụng nền tảng này.
Theo ông Satvinder Singh, RCEP đã bắt đầu nhìn thấy hiệu quả, đặc biệt là khi các nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn. Tất cả các công ty quốc tế lớn hiện nay đều muốn tham gia RCEP.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)