Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực xây dựng.
Làm rõ trách nhiệm của ngành xây dựng trong vấn đề quy hoạch
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, xây dựng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật của nền kinh tế. Nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn chất vấn lĩnh vực xây dựng tại kỳ họp thứ 4 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, có 36 đại biểu đã chất vấn và một đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Các đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng và một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. Hiện còn 25 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn.
Theo một số đại biểu Quốc hội, nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn, cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Ông Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho biết, ông đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.
Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội nhận thấy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị; diện mạo các đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện.
Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện; nguồn cung vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án quan trọng của quốc gia.
Qua phiên chất vấn, một số đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao khi Bộ Xây dựng nhận ra những vấn đề bất cập của ngành. Đó là, một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa, chưa đồng bộ, gắn kết giữa cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác. Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn tùy tiện, chất lượng đô thị hóa chưa cao, kết cấu chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứngđược yêu cầu phát triển đô thị; việc thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành, các cơ sở khỏi nội đô thành phố Hà Nội còn chậm; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và trung bình cũng như nhà ở cho công nhân; cơ cấu nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường; giá bất động sản liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoạt động của thị trường bất động sản thiếu ổn định, thiếu công khai, minh bạch, còn hiện tượng đầu cơ, trốn thuế. Còn thiếu nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng cho việc sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới và một số công tác có tính chất chuyên ngành và đặc thù; nguồn cung vật liệu phục vụ dự án công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định. Giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu có sự biến động lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Bốn vấn đề lớn Bộ Xây dựng cần hoàn thiện trong thời gian tới
“Từ những bất cập và hạn chế nêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch chung xây dựng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Triển khai hiệu quả Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu từ giai đoạn 2021 đến 2030, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới cân đối các vùng miền; đầu tư phát triển đô thị ven biển, phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh.
Sớm có giải pháp khắc phục bất cập về hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố lớn; quản lý chặt chẽ các quy hoạch, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông; khắc phục tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông. Xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch quản lý phát triển đô thị, hướng tới ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch quản lý phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ cập nhật các đồ án quy hoạch lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam; thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, phát triển đô thị, quản lý trật tự đô thị, hoạt động xây dựng và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chuyên môn, chuẩn hóa theo khung năng lực.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở và các quy định liên quan. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân bằng, tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển, xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng nguồn cung cho thị trường.
Có chính sách hiệu quả thu hút và tạo nguồn vốn trung, dài hạn, ổn định cho thị trường bất động sản. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Quản lý chặt chẽ để ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, đầy đủ về quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản và thị trường bất động sản.
Có biện pháp xử lý để kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản. Sửa đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, nhất là nhà xã hội cho thuê, thuê mua.
Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Có giải pháp để tích cực triển khai cho vay, hỗ trợ lãi suất đối với các dự án cải tạo nhà chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua theo quy định của Nghị quyết 43/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người có công, các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định danh mục trụ sở cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, bảo đảm an toàn cháy nổ, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến 2025 ban hành 12 bộ quy chuẩn và 128 tiêu chuẩn cốt lõi theo định hướng mới.
"Hoàn thiện đổi mới số hóa, mã hóa thống nhất, hệ thống định mức đơn giá xây dựng, rà soát, bổ sung các định mức cốt lõi có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng công trình, các chỉ tiêu vốn đầu tư, đơn giá xây dựng tổng hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các vật liệu xây dựng phục vụ công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình, đặc biệt là đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố giá vật liệu, giá xây dựng theo quý, theo tháng, bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng và đúng giá niêm yết, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các biểu hiện hoạt động gom hàng, thổi giá vật liệu xây dựng trong tình hình hiện nay", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận.
Theo Báo Tin tức