Tuy không quá nghiêm trọng như thời đỉnh dịch, song hiện tại dịch COVID-19 vẫn là nỗi lo. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động

Nhiễm COVID-19 dai dẳng – khác với COVID-19 kéo dài hoặc các đợt bệnh lặp đi lặp lại – xảy ra ở một số ít bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.

Sử dụng kết hợp các phương pháp

Luke Snell, bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Guy’s and St Thomas của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, những bệnh nhân này có thể dương tính với COVID-19 trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm với tình trạng nhiễm bệnh liên tục.

Các bệnh truyền nhiễm có thể đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh, bởi khoảng một nửa số bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng như viêm phổi.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Guy’s & St Thomas rằng họ đã mô tả cách bệnh nhân 59 tuổi cuối cùng cũng vượt qua căn bệnh sau hơn 13 tháng.

Được biết, bệnh nhân nam này bị suy giảm hệ thống miễn dịch do ghép thận. Ông nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2020 và vẫn dương tính cho đến tháng 1/2022.

Để phát hiện ra liệu anh ta là nhiễm COVID-19 nhiều lần hay là một lần nhiễm bệnh kéo dài, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phân tích di truyền nhanh với công nghệ giải trình tự nanopore. Thử nghiệm có thể mang lại kết quả trong 24h cho thấy, người đàn ông nhiễm biến thể B.1 ban đầu, chủng biến thể vốn chiếm ưu thế vào cuối năm 2020, nhưng sau đó đã bị thay thế bởi các chủng mới hơn.

Do bệnh nhân nhiễm biến thể ban đầu này, các nhà nghiên cứu đã cho ông ta dùng kết hợp kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab từ Regeneron.

Tương tự như hầu hết các phương pháp điều trị bằng kháng thể khác, phương pháp điều trị này không còn được sử dụng rộng rãi bởi nó không hiệu quả đối với các biến thể mới hơn như Omicron.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được chữa khỏi bởi ông ta đang chiến đấu với một biến thể có từ giai đoạn trước của đại dịch.

Ngày càng nhiều biến thể có khả năng kháng kháng thể

Bác sĩ Snell cho biết: “Các biến thể rất mới đang ngày càng phổ biến, có khả năng kháng lại tất cả các loại kháng thể sẵn có ở Anh, Liên minh châu Âu (EU) và bây giờ là cả Mỹ”.

Được biết, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp điều trị như vậy để cố gắng cứu sống một người đàn ông 60 tuổi bị bệnh nặng vào tháng 8 vừa qua, trong đó bệnh nhân dương tính với COVID-19 đến 4 tháng. Tuy nhiên, nó không có hiệu quả.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã kết hợp hai phương pháp điều trị kháng virus trước đây, vốn không được dùng cùng nhau là Paxlovid và Remdesivir và sử dụng chúng cho bệnh nhân đang bất tỉnh qua đường mũi. Đáng mừng là ông đã khỏi bệnh và đây có lẽ là cách các bác sĩ có thể sử dụng để triều trị cho những bệnh nhân nhiễm bệnh dai dẳng, khó chữa này. Tuy nhiên, bác sĩ Snell cho biết, phương pháp điều trị này có thể không có tác dụng đối với những trường hợp COVID-19 thông thường.

Tại Hội nghị của Hiệp hội vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) diễn ra hồi tháng 4, nhóm nghiên cứu đã thông báo về trường hợp nhiễm bệnh dai dẳng lâu nhất được biết đến ở một người đàn ông có kết quả xét nghiêm dương tính liên tục trong 505 ngày trước khi tử vong.

“Trường hợp này rất đáng tiếc khi nó xảy ra vào giai đoạn trước của đại dịch. Hiện đã có rất nhiều phương pháp điều trị khác hiệu quả”, bác sĩ Snell chia sẻ.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)