Biến đổi khí hậu tiếp tục gây tổn hại đến sức khoẻ con người. Ảnh minh hoạ: Tuoitre

WHO kỳ vọng đến lúc bế mạc, COP27 phải đạt được tiến độ về bốn mục tiêu chính là giảm thiểu, thích ứng, tài trợ và hợp tác để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Đây cũng được xem là cơ hội quan trọng để thế giới xích lại gần nhau và tái cam kết duy trì mục tiêu của Thỏa thuận Paris là kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: biến đổi khí hậu đang làm cho hàng triệu người dân trên toàn thế giới đau ốm hoặc dễ mắc bệnh hơn, và sự tàn phá ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng không cân xứng đến các cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi. Do đó, “điều quan trọng là các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định phải cùng nhau họp mặt tại COP27 để đặt vấn đề sức khỏe con người làm trọng tâm của các cuộc đàm phán”, ông nói.

WHO cho biết sức khỏe con người phụ thuộc vào sức khỏe của các hệ sinh thái xung quanh và các hệ sinh thái này hiện đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, các hoạt động nông nghiệp và những thay đổi khác trong việc sử dụng đất và phát triển đô thị nhanh chóng. Việc xâm lấn sâu hơn vào môi trường sống của động vật đang làm gia tăng cơ hội cho các loại virus có hại cho con người thực hiện quá trình chuyển đổi từ vật chủ của chúng. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.

Theo ước tính, chi phí thiệt hại trực tiếp cho sức khỏe con người liên quan đến biến đổi khí hậu vào khoảng 2 - 4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

WHO cũng cảnh báo rằng sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã xảy ra đang dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo theo, như các đợt nắng nóng gay gắt và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng, cũng như các trận cuồng phong và bão nhiệt đới ngày càng mạnh mẽ. Sự kết hợp của các yếu tố này có nghĩa là tác động đến sức khỏe con người sẽ ngày càng gia tăng.

Các dữ liệu ghi nhận được cho thấy 31 triệu người dân ở vùng Sừng châu Phi rộng lớn đang phải đối mặt với nạn đói cấp tính và 11 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính khi khu vực này phải đối mặt với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong những thập kỷ gần đây. Biến đổi khí hậu đã tác động đến an ninh lương thực và nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Rõ ràng, lũ lụt ở Pakistan cũng là kết quả của biến đổi khí hậu và nó đã tàn phá nghiêm trọng những vùng đất rộng lớn của nước này. Với hơn 33 triệu người đã bị ảnh hưởng và gần 1.500 trung tâm y tế bị hư hại, tác động sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm tới. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hy vọng, đặc biệt nếu các chính phủ hành động ngay bây giờ để tôn trọng những cam kết đã được đưa ra tại Glasgow vào tháng 11/2021 và tiến xa hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

WHO cũng kêu gọi các chính phủ nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang một tương lai năng lượng sạch. Thực tế, đã có những tiến bộ đáng khích lệ đối với các cam kết khử cacbon và WHO đang kêu gọi thành lập một hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, trong đó than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác có hại cho bầu khí quyển bị loại bỏ dần theo những cách công bằng. Đây sẽ là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Cũng theo WHO, một chính sách khí hậu tập trung vào sức khỏe sẽ giúp mang lại một hành tinh có không khí sạch hơn, nguồn thực phẩm và nước uống dồi dào và an toàn hơn, các hệ thống bảo vệ xã hội và sức khỏe hiệu quả hơn, công bằng hơn và từ đó, con người sẽ khỏe mạnh hơn.

BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO)