Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Ảnh: TTXVN

Chúng ta thường thấy những tấm băng rôn khẩu hiệu thể hiện “quyết tâm”, “nỗ lực”, “phấn đấu”… được treo ở những nơi công cộng, trong cơ quan, công sở như những bảng quảng cáo. Trong những dịp lễ lớn hoặc kỷ niệm của các ngành, địa phương không thiếu băng rôn biểu thị quyết tâm “Thi đua lập thành tích”, “Chào mừng” nghe rất kêu, rất có khí thế. Nhiều phong trào được phát động rầm rộ với những tiêu chí cao, nhưng giữa phát động phong trào và khẩu hiệu có lúc còn hình thức. Mục đích đặt ra của phong trào không đạt hoặc hiệu quả không thiết thực, có khi còn gây nhàm chán. Bởi vì giữa nội dung phát động phong trào, khẩu hiệu và hành động trong thực tế không song hành với nhau.

Có những phong trào phát động ngắn, nhưng cũng có nhiều phong trào được thực hiện dài như “Xây dựng nông thôn mới”, “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”… Tùy tính chất dài hay ngắn để đưa ra nội dung phát động phải tính đến không gian, thời gian để đề ra khẩu hiệu phù hợp. Những nghị quyết, chương trình hành động, những kế hoạch đưa ra mục tiêu, yêu cầu quá cao, không phù hợp thực tế, có khi chỉ nằm trên giấy.

Tồn tại nhiều nhất lâu nay là khi sơ kết, tổng kết dù không đạt mục tiêu nhưng không được kiểm điểm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Thậm chí còn cố tình quên đi tồn tại, những việc không làm được, không rút ra được bài học kinh nghiệm. Hay nói đúng hơn là đánh giá không đúng nội dung, kết quả báo cáo không như thực chất, nhìn vào như một bản báo cáo thành tích thi đua.

Trong những năm tháng chống chiến tranh xâm lược, những khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng…”, phong trào thi đua “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt xe tăng”, “nắm thắt lưng địch mà đánh” trở thành sức mạnh tinh thần, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta. Người chiến sĩ ra trận đâu có nghĩ đến thành tích để trở thành dũng sĩ, anh hùng mà xuất phát từ lòng yêu nước, ý chí anh dũng, bất chấp gian khổ, chiến đấu vì quê hương. Phong trào của cấp trên được phổ biến trực tiếp đến chiến sĩ, người dân không cần diễn văn, không cần lễ phát động nhưng lại có sức công hiệu to lớn. Cùng với truyền thống chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã làm nên thắng lợi vẻ vang, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước.

Giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước đang lãnh đạo thực hiện đổi mới toàn diện, xây dựng đất nước cũng cần có nhiều phong trào để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Cần thiết là phải đề ra những khẩu hiệu phù hợp, gắn phong trào với thực tế với nội dung thiết thực. Chẳng hạn hiện nay, chúng ta phát động về bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp bách, dù được tuyên truyền khá rầm rộ nhưng kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Phong trào “xanh, sạch, sáng” là ý tưởng rất hay của lãnh đạo nhưng sự hưởng ứng của người dân chưa nhiều, chưa trở thành phong trào và nền nếp xử sự của người dân. “Ngày Chủ nhật xanh” được phát động vào cuối mỗi tuần, thế nhưng sau đó lại vẫn như cũ khi rác thải, vật liệu rơi vãi, súc vật chết vứt ra đường… như chưa hề có trong phong trào. Những tồn tại đại loại như vậy nếu không chấn chỉnh, khắc phục thì “phong trào chạy theo phong trào”, “khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu”, dần dần chỉ nói và nghe cho vui, thui chột khí thế. Đề ra mục tiêu không phù hợp hoặc trong điều kiện chưa đủ chín dễ gây ra phản cảm, nhiều khi còn tạo nên sức ỳ. Không khắc phục bệnh khẩu hiệu hình thức sẽ dần làm mất giá trị khi những phong trào lớn do Đảng, Nhà nước phát động trong tầm lớn hơn.

Phát động phong trào, đưa ra khẩu hiệu hành động là cần thiết trong cổ vũ, động viên cán bộ, Nhân dân tham gia. Nội dung và hình thức cần phải thiết thực, chiều sâu, gắn với thực tế. Phong trào có tính chất quan trọng cần khuyến khích, động viên bằng khẩu hiệu phù hợp, tác động đến khí thế của mọi người tham gia. Đã gọi là phong trào thì cần tính tới hiệu quả, tính khả thi, không thể làm kiểu theo kiểu hô khẩu hiệu rồi “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”… Phát động nội dung gì, hiệu quả đến đâu, cần có tầm tư duy dài hạn, khẩu hiệu thiết thực, gắn với nội dung phát động. Nêu khẩu hiệu chung chung sẽ dễ làm suy diễn không đúng về nội dung được phát động, không khơi dậy được hào hứng của người tham gia. Ở góc độ nào đó, hô khẩu hiệu mà không làm được sinh ra lý luận suông, giáo điều, biểu hiện của hình thức giả dối.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở: “Đừng có hô khẩu hiệu. Nói thế phải làm như thế”. Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã chỉ ra tồn tại, yếu kém: “Chương trình kế hoạch ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, kém hiệu quả”. Cho nên, dù với mục đích gì, từ phát động phong trào hay xây dựng chương trình, kế hoạch phải tính đến yêu cầu cao nhất là kết quả đem lại. Chủ động đề ra phong trào là cần thiết nhưng không vì vậy mà phát động tràn lan, khẩu hiệu sáo rỗng.

NGUYỄN AN HÒA