Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), địa điểm tổ chức Hội nghị COP27. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo đó, các ngân hàng phát triển đa phương khẳng định cam kết mở rộng sự hỗ trợ đối với các quốc gia đang tìm kiếm nguồn tài chính để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với một hành tinh đang ấm lên; đồng thời cam kết sẽ giải quyết các thách thức về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Trước đó vào năm 2021, các ngân hàng này đã cùng cung cấp nguồn tài chính chuyên dụng ở mức cao kỷ lục, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.

Tuyên bố chung cho biết: “Trên khắp các châu lục, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động ngày càng nghiêm trọng về môi trường, xã hội và kinh tế, đặt ra thách thức cấp bách và đáng kể đối với sự phát triển và việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 (SDGs). Bối cảnh toàn cầu hiện nay với nhiều cú sốc, những rủi ro gia tăng,... đang làm trầm trọng thêm thách thức, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển”.

Qua đó, tuyên bố nhận định, việc duy trì động lực thực sự về hành động khí hậu sẽ yêu cầu tất cả các bên liên quan bao gồm các Chính phủ, các ngân hàng phát triển đa phương, và các đối tác khác hợp tác trong những chương trình và dự án có sức ảnh hưởng lớn, cũng như những chính sách công phù hợp, và gia tăng đáng kể tài trợ từ nhiều nguồn.

“Nhận thức được những thách thức có tính liên kết về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tổn thất về thiên nhiên, các ngân hàng phát triển đa phương cam kết sẽ giải quyết những thách thức này một cách đầy đủ, tối đa hóa lợi ích, đồng thời giảm thiểu sự đánh đổi, đặc biệt là thông qua việc tiếp tục giải quyết những tác nhân trực tiếp và gián tiếp của tổn thất về thiên nhiên và mất đa dạng sinh học", tuyên bố chung nói thêm.

Được biết, các ngân hàng phát triển đa phương đã cam kết mở rộng sự hỗ trợ dành cho các quốc gia và các đối tác khác để tích hợp các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu vào quy hoạch kinh tế tổng thể, từ các chiến lược dài hạn và những nghĩa vụ đóng góp cấp quốc gia (NDC), cho đến các lộ trình chuyển đổi ngành và tiểu ngành; xây dựng các chính sách để thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống; xác định kế hoạch đầu tư; cũng như huy động các nguồn tài trợ.

Theo Báo cáo Tài chính Khí hậu chung của các ngân hàng phát triển đa phương năm 2021, những nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn này đã đạt được kỳ vọng chung về tăng cường lượng tài chính. Trong tổng tài chính khí hậu hồi năm ngoái, 51 tỷ USD đã được dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó 33 tỷ USD (tương đương 65%) dành cho mục tiêu giảm nhẹ, và 18 tỷ USD (tương đương 35%) cho mục tiêu thích ứng với khí hậu.

LÊ THẢO

 (Lược dịch từ Adb.org)