Hướng đến học sinh nhưng áp lực lại đặt lên đôi vai thầy, cô giáo, khi họ phải dạy những môn học trái ngành đào tạo và làm nhiều “công việc không tên”…

 

Học sinh trải nghiệm, thực hành làm túi giấy. Ảnh: TCV

Dạy kiểu “ôm trọn”

Cô giáo Hồ Thị Thanh Vân, tổ Khoa học tự nhiên (KHTN) Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TP. Huế) tranh thủ 15 phút giải lao giữa 2 tiết học để gặp chúng tôi. Cô là giáo viên hóa duy nhất của trường. Bắt đầu từ năm học này, thay vì chỉ dạy môn hóa, cô Vân phải đảm nhận thêm môn lý trong chương trình lớp 6. Tổ KHTN của Trường THCS Huỳnh Đình Túc có 4 giáo viên (gồm 1 hóa, 1 lý và 2 sinh). Cả ba giáo viên còn lại cũng đều phải dạy kiểu “ôm trọn” như cô Thanh Vân. Khỏi phải nhiều lời cũng biết nỗi khổ của một giáo viên khi phải dạy những môn học mà mình chưa qua đào tạo.

Kiểu dạy “ôm trọn” được hiểu là dạy tích hợp, kết hợp kiến thức chung của nhiều môn học. Giáo viên như cô Thanh Vân đọc tài liệu cũng có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, để dạy tốt và học tốt, những giáo viên có tự trọng nghề nghiệp cao phải bỏ ra nhiều công sức để tự nghiên cứu. Cô giáo đã thâm niên hàng chục năm đứng lớp này bảo, sợ nhất là chuyện “học trò hỏi”, lơ mơ là giáo viên “bí” ngay. Mà các em hỏi nhiều lắm, nhất là những học sinh khá, giỏi và năng động. Cũng có thể khất lại các em nhưng cứ mãi như thế lại là điều không nên, thiệt thòi cho học sinh.

Là giáo viên sinh nhưng năm học này, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Hải (Trường THCS Hồ Văn Tứ, Hương Trà) lại phải đảm nhiệm thêm môn hóa. Cũng như Thanh Vân, cô Hoàng Hải đã có nhiều cố gắng khi bỏ thời gian chuẩn bị gấp 3 lần môn sinh để tự nghiên cứu tài liệu dạy hóa. Cô cũng tìm cách khởi động tiết học bằng những trò chơi hay tổ chức cho học sinh tập thuyết trình về những vấn đề liên quan nhằm khơi dậy hứng thú học tập. Thế nhưng, cô vẫn sợ kiến thức không đảm bảo và cho rằng, khó tìm được sự tương đồng giữa môn sinh và hóa, kể cả cách tiếp cận bài giảng.

Chú trọng đến các kỹ năng cho học trò từ chương trình GDPT mới

Nhiều việc “không tên”

Dạy tích hợp mới triển khai ở một số trường tại Thừa Thiên Huế. Nhiều trường như Trường THCS Hồ Thế Hanh (Hương Trà), tổ KHTN - CN có 7 giáo viên và có sự phân bố cân đối nên vẫn dạy theo kiểu “cuốn chiếu”. Tức là, học môn nào thi dứt điểm luôn môn đó. Kế hoạch chương trình đảm bảo và có sự chủ động nhưng hạn chế là tình trạng “dồn toa”. Trong một số thời điểm, số tiết đứng lớp của 1 giáo viên vượt mức quy định, có thể lên đến 25 tiết/tuần.

Chương trình 2018 mới hướng đến phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Gánh nặng này đặt lên vai của những thầy, cô giáo trong vai trò “người đưa đò”. Cô giáo dạy sinh Hồ Thị Hạnh Nhân, Trường THCS Hồ Thế Hanh cho rằng, với chương trình 2018, giáo viên là người hướng dẫn để học sinh chủ động đóng góp xây dựng bài mới. Để hoàn thành nhiệm vụ, cô phải đầu tư nghiên cứu tài liệu và phải dành thời gian chuẩn bị các tình huống học trò thắc mắc để giải đáp.

Hiện nay, mỗi tuần một giáo viên ngữ văn THCS phải soạn 8 - 9 tiết giáo án, bởi ai cũng đang được phân công dạy 2 khối khác nhau. Chưa kể, nếu được phân công thêm công tác chủ nhiệm các lớp 6 và lớp 7, giáo viên sẽ có thêm giáo án “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” 3 tiết/ tuần. Riêng chuyện giáo án, cho dù tải từ internet miễn phí thì nội việc “cắt, dán” theo số tiết phân phối chương trình cũng khiến cho họ “xây xẩm mặt mày”. Mỗi tiết học, phải soạn gần chục trang giáo án theo công văn 5512.

Áp lực đầu tư cho chuyên môn thì giáo viên không ngại khó. Đằng này, họ đang mất rất nhiều thời gian vào những kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512 với quá nhiều yêu cầu trùng lặp. Chưa kể, họ phải quản lý lớp, vận động học sinh có nguy cơ bỏ học, xử lý khi học sinh vi phạm, tham gia các hoạt động ngoại khóa khi Đoàn - Đội phát động... Nhiều giáo viên không vui khi ngoài giờ lên lớp, họ còn có quá nhiều “công việc không tên” kia.

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Cánh tay nối dài

Trường học hạng 2 như Trường THCS Hồ Thế Hanh có 5 tổ chuyên môn: KHTN - CN, Văn, Toán tin, Lịch sử, Địa lý - Công dân và Tiếng Anh. Tổ trưởng chuyên môn không xa lạ nhưng với chương trình 2018 lại có thêm nhiều điểm khác. Theo Công văn 5512, tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện 4 kế hoạch giáo dục, gồm: Kế hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học và kế hoạch bài dạy. Đó là công việc nặng nề.

Tổ Văn - Sử - Địa Trường THCS Hồ Văn Tứ có 8 giáo viên. Cô giáo dạy văn Trần Thị Xuân Lộc làm tổ trưởng cho biết, công việc của cô là phân bố tiết dạy cho giáo viên, thao giảng, kiểm tra toàn diện, dự giờ trong tổ, kiểm tra hồ sơ giáo viên trong tổ, lên kế hoạch hoạt động ngoại khóa trong tổ, tham gia tập huấn, phân công dạy thay và dạy thế, đi học triển khai công việc... Là giáo viên kỳ cựu, cô Xuân Lộc còn làm nhiệm vụ lên lớp và dạy bồi dưỡng học sinh giỏi.

Không có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng đa phần các trường học đều yêu cầu các tổ trưởng phải tham gia duyệt giáo án. Cô giáo Hồ Thị Xuân Hồng, Hiệu phó Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế) đồng cảm khi cho rằng, quá nhiều công việc phát sinh. Họ không chỉ vất vả khi phải làm kế hoạch, báo cáo mà còn phải cáng đáng nhiều công việc khác nhau liên quan đến tổ chuyên môn mà mình phụ trách. Nặng nhất là làm phân phối chương trình, hồ sơ sổ sách làm tối ngày vẫn không xong.

Thầy giáo Trần Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Tứ thừa nhận, tổ trưởng chuyên môn là “cánh tay nối dài”. Đóng góp của họ quá lớn đồng nghĩa với công sức bỏ ra rất nhiều. Hiệu trưởng Trần Quang cũng cho biết, để đảm bảo thực thi công việc tốt, tổ trưởng chuyên môn của trường được chọn lựa từ những giáo viên có năng lực, nhiệt tình và đảm bảo theo đúng quy trình bổ nhiệm.

Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là chương trình 2018). Ngày 15/9/2020, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi tắt là Thông tư 32). Cũng trong năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 5512 /BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi tắt là công văn 5512).

Bài, ảnh: Huế Thu

(Còn tiếp)

Kỳ II: Giảm áp lực từ nhiều phía