Mưa bão là chuyện thường tình với Huế. Với các đơn vị quản lý, những người làm công tác bảo tồn ở các di tích, dù đã có nhiều phương án chống đỡ, giằng chéo nhưng rồi việc thiệt hại, hư hỏng là chuyện khó tránh khỏi.

Mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ lụt khiến các di tích nằm ở vị trí thấp trũng hoặc dọc theo sông bị nước tràn vào và gây ngập sâu

Dễ đổ sập

Cũng như nhiều năm về trước, từ tháng 9 năm nay Huế đối mặt một vài cơn bão lớn, kèm theo đó là mưa lũ, có những đợt mưa lớn kéo dài liên tục. Trước mỗi đợt mưa bão, lũ lụt, hàng trăm cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại tất bật với công việc giằng chống, bảo vệ các di tích, công trình kiến trúc, những công trình đang trong quá trình trùng tu, thi công… Bên cạnh đó, cắt tỉa hệ thống cây xanh, hạ các chậu cây cảnh ở trên các đôn, hệ thống các đèn… ở các điểm di tích, tránh thiệt hại tối đa. Cứ thế, hết mỗi trận mưa bão thì lại tháo dỡ phần chống đỡ này để trả lại mỹ quan cho di tích.

Đại diện văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói rằng, với khối lượng các công trình kiến trúc đồ sộ, nằm trải dài trên địa bàn rộng lớn từ thành phố đến các huyện, thị xã ở nhiều địa hình, địa thế khác nhau nên luôn đối mặt với nhiều rủi ro vào mùa mưa bão.

So với những năm trước, thời gian gần đây mưa bão diễn biến phức tạp, khó lường hơn nên nguy cơ đe dọa đến sự an toàn di tích cao hơn. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng khiến một số điểm di tích nằm ở vị trí thấp trũng hoặc dọc theo sông bị nước tràn vào và ngập sâu như Nghinh Lương Đình, cung An Định, lầu Tàng Thơ, các cổng vào khu Hoàng Cung, lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị...

“Việc bị ngâm nước ít nhiều tác động đến tuổi thọ của các công trình, cộng thêm lượng mưa đổ trên mái có thể tăng thêm tải trọng dẫn đến các cấu kiện gỗ trong kiến trúc truyền thống cung đình Huế có độ ẩm cao, gây ra hiện tượng nứt gãy, tụt ngói, dịch chuyển vị trí, long mộng… Cho nên nếu gặp gió bão giật cấp lớn thì dễ dẫn đến đổ sập công trình nếu không chống đỡ cẩn thận”, đại diện văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lo ngại.

Cùng chung nỗi lo, Bảo tàng Lịch sử tỉnh cũng đau đầu trước hệ thống di tích mà đơn vị đang quản lý bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Theo ông Nguyễn Đức Lộc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh, hiện đơn vị đang quản lý trực tiếp 14 di tích, trong đó 11 di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, phối hợp quản lý 109 di tích quốc gia, tỉnh. Thường những trận bão lớn hoặc bão nhỏ nhưng có hoàn lưu gây mưa dẫn tới ngập úng các di tích, có hiện tượng trôi tuột ngói và thấm dột phần mái. Về phần hệ thống tường chịu lực, chân cột… bị ngâm nước lâu dẫn tới hiện tượng rêu mốc, mọc nấm, về lâu dài dẫn đến xuống cấp.

“Dù được các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo để hạn chế việc xuống cấp cũng như ảnh hưởng trước thời tiết bất lợi nhưng vẫn còn nhiều di tích, đặc biệt là di tích nằm ở vùng thấp trũng, vùng núi, vùng biển xuống cấp nghiêm trọng. Có thể kể đến như di tích Châu Hương Viên, đình An Cựu, địa đạo Bạch Mã, địa đạo An Hô, tháp Chăm Phú Diên…”, ông Lộc dẫn chứng cụ thể.

Phương án tại chỗ lẫn dài lâu

Dù đối mặt với nhiều rủi ro, câu chuyện thích nghi, “sống chung với lũ” nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa việc hư hỏng, xuống cấp các di tích luôn là bài toán nan giải. Trong rất nhiều ưu tiên, việc lên phương án ứng phó với thiên tai khắc nghiệt được các đơn vị quản lý di tích luôn đặt lên hàng đầu.

Phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng một phương án cụ thể với phương châm “5 tại chỗ” để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hiện vật, công trình di tích, tài sản vật tư, nhà cửa, hệ thống cây xanh. “5 tại chỗ” đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Riêng lực lượng tại chỗ vào khoảng 250 người, chưa kể lực lượng ứng cứu cơ động.

Trước khi bão lũ, mưa lớn ập đến, đội ngũ này sẽ triển khai các phần việc quan trọng từ kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình, vật tư tài sản cho đến việc giằng néo, neo buộc, che đậy, kê đặt, chống đỡ cho các điểm di tích…

Đơn vị này cũng khẳng định, phải thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra chất lượng công trình, có tổng hợp, báo cáo các công trình, hạng mục công trình xuống cấp. Dựa theo đó mới có đề xuất kế hoạch, phương án tu sửa và khắc phục kịp thời. “Xác định các công trình xuống cấp hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng khách tham quan du lịch thì cho triển khai ngay. Đối với các công trình còn lại sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm và theo kế hoạch trung hạn”, đại diện văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.

Ngoài ra, trong tương lai xa hơn, nhằm hạn chế rủi ro, hư hỏng thấp nhất khi có thiên tai, bão lụt xảy ra, trung tâm luôn chủ động triển khai các giải pháp, phương án cần thiết. Đặc biệt với những công trình xuống cấp, kết cấu yếu, ngoài che chắn, chống đỡ… phải kịp thời sử dụng vốn ngân sách, kêu gọi xã hội hóa, hợp tác với các đối tác quốc tế để đầu tư tu bổ.

“Cùng với đó, chúng tôi nghiên cứu nhiều giải pháp chống ẩm, mốc do thời tiết và sinh vật gây hại trên cấu kiện gỗ, cây cỏ xâm thực công trình, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến các công trình di tích. Đồng thời, thường xuyên tiến hành các biện pháp xử lý mối mọt cho các công trình”, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lộc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh, ngoài việc giằng chống, kê cao thì phải che đậy các hiện vật trưng bày. Một vấn đề lưu ý hơn đó là bố trí lực lượng trông coi, tránh kẻ gian lợi dụng mưa bão để trộm cắp hiện vật. Nói thêm về việc ứng phó với thiên tai, ông Lộc mong rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn. “Đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có di tích, cần lên kế hoạch, phương án bảo vệ, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra tại các di tích, kêu gọi người dân cùng chung tay bảo vệ di tích”, ông Lộc mong muốn.

Bài, ảnh: NHẬT MINH