Ấn báu của Nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn... Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”. Chỉ qua đôi dòng trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cũng cho thấy giá trị và tầm quan trọng của bảo vật này.     

Cùng thời điểm, trang chủ của Hãng đấu giá Millon cập nhật, chiếc bát vàng được giới thiệu của thời vua Khải Định được “gõ búa” với mức 16,7 tỷ đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, Kim bài thời Duy Tân (1907 - 1916) cũng được đấu giá thành công với 1,7 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 10/2021 là thông tin về hai món cổ vật triều Nguyễn lập kỷ lục trên sàn đấu giá Auctionet ở Barcelona (Tây Ban Nha). Chiếc mũ quan văn chánh nhất phẩm có giá gõ búa hơn 600.000 euro (gấp 1.000 lần giá khởi điểm là 600 euro) và chiếc áo Nhật Bình có giá hơn 160.000 euro.

Chiếc mũ quan văn chánh nhất và chiếc áo Nhật Bình đã thuộc về Công ty CP Tập đoàn Sunshine. Và sau khi đấu giá thành công, công ty này đã hiến tặng cho Thừa Thiên Huế. Còn với “Hoàng đế chi bảo”, ngay sau khi hãng Millon quyết định hoãn đấu giá, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Suy cho cùng, Quỹ Bảo tồn di sản Huế là một hình thức xã hội hóa khi mà nhiệm vụ được xác định là tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ… Trong nguồn tài chính của quỹ có nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích.

Trên Facebook của mình, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh viết: Với tư cách là một người Huế, xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Còn nhà báo Hoàng Văn Minh (Báo Lao động) thì khẳng định: “Nếu thương vụ này thành công, sẽ là một khởi đầu có tính lịch sử cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế”.

Còn tôi lại nhớ đến thời điểm cuối năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố danh sách 9 cổ vật thuộc triều Nguyễn vẫn chưa tìm được cách trở về với quê hương. Đó là, Thái A kiếm, Chậu quán tẩy, Sách phong đời vua Gia Long, Sách phong đời Thiệu Trị, Trấn phong đời Khải Định... Giáo sư Võ Quang Yến (Pháp) chia sẻ, Thái A kiếm đã bị người Pháp lấy đi sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7/1885. Đó cũng là số phận lưu lạc chung của nhiều cổ vật. 

Thiết nghĩ, sự ra đời của Quỹ Bảo tồn di sản Huế chưa muộn như nhiều người nghĩ mà rất đúng lúc.

ĐAN DUY