Thiếu nữ Huế duyên dáng trong tà áo dài và chiếc nón lá
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Ngày nay, vẫn còn đó những làng nghề, những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề chằm nón. Mỗi năm các làng nghề làm nón ở Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương mỗi khi đến Huế.
 
Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ được nhiều du khách ưa chuộng bởi sự thanh thoát nhẹ dàng, như không còn là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân làm nón Huế phải trải qua nhiều công đoạn tỷ mỷ lắm, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cần mẫn khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, rồi đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường.
 
Biểu tượng ẩn hiện trong nón lá bài thơ thường là hình ảnh Cầu Trường Tiền, Núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Cầu Ngói Thanh Toàn...Đi kèm theo các biểu tượng là một số câu thơ nổi tiếng viết về Huế được cắt bằng giấy bóng ngũ sắc, nên càng nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón.

 Nón bài thơ Huế cũng là một kênh quảng bá hình ảnh Huế rộng rãi mà hiệu quả nhất trong số các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế hiện nay.
 
Chợ nón Dạ Lê
 
Cầm chiếc nón lên, ta không chỉ bắt gặp Huế trên từng đường kim, mũi cước của người thợ nón Huế, mà còn gặp cả chiều sâu văn hóa Huế qua hình ảnh biểu tượng của Huế, qua những câu thơ đi cùng năm tháng với Huế “...con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...”(Thu Bồn). Hay “...Sông Hương hoá rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngã nghiêng say...”(Nguyễn Trọng Tạo)...

Dẫu bây giờ, trên đường phố Huế, nón lá không còn rợp bóng như ngày xưa mỗi buổi tan trường, nhưng nó đã trở thành một nét văn hóa, một nét duyên không thể thiếu trong đời sống văn hóa Huế, đặc biệt là đối với người phụ nữ Huế.
 
Lê Thục Đan (gt)