Mới đây, tại hội thảo "Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ" tổ chức tại TP. Huế, một báo cáo nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ ra rằng, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH. Tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường và BĐKH sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.

Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá ô nhiễm môi trường và BĐKH đã, đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển KT-XH, an ninh môi trường thế giới.

Trước tình hình này, việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ứng phó thiên tai, BĐKH đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ chính sách, đến hành động của các cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo, người dân, doanh nghiệp.

 Những năm qua, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông qua các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội... đã tích cực xây dựng, duy trì các phong trào BVMT có hiệu quả, tạo thói quen, nếp sống vệ sinh sạch sẽ, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường ở từng khu dân cư. Quá trình triển khai, kết quả nổi bật đáng kể là chương trình lồng ghép nhiệm vụ BVMT, phòng, chống BĐKH vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện, thị xã, TP. Huế tổ chức thực hiện với những nội dung thiết thực, hiệu quả.

Từ năm 2019 đến nay, khi có đề án "Ngày Chủ nhật xanh- Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch- sáng", mọi người dân trong cộng đồng khu dân cư đều tham gia hưởng ứng tích cực các hoạt động, phong trào, như  "Đường phố văn minh, sạch đẹp"; "Tổ dân phố không rác"; "Thôn làng không rác"... Tất cả đồng tâm kêu gọi, hình thành tính chủ động trong công cuộc BVMT cũng như xây dựng nếp sống đô thị, nông thôn văn minh, sống thân thiện, hài hòa với môi trường.

 Cũng từ khi thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng các tỉnh, thành trong cả nước về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017- 2020, việc xây dựng các mô hình điểm về BVMT, ứng phó với BĐKH ở địa phương ngày càng được đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình điểm, như: lồng ghép nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; mô hình "Khu dân cư tự quản BVMT" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... Nhiều địa phương tùy điều kiện phối hợp gia cố kênh đê, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông đầm, trồng rừng phi lao vùng cát ven biển...

Qua các phong trào trên, Thừa Thiên Huế được đánh giá là một trong những điểm sáng trong việc nhân rộng và duy trì nhiều mô hình tại nhiều địa phương, tổ chức xã hội, làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cũng từ những phong trào này đến nay đã giúp người dân xây dựng thói quen tốt về BVMT cũng như thực hiện trách nhiệm giám sát, tự giám sát thực hiện các quy định BVMT, phòng, chống BĐKH tại cộng đồng dân cư.

 Song Văn