Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài khảo sát chính thức tại Trường ĐH Y - Dược

Tiến hành đánh giá độc lập, khách quan

Mới đây, tại lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 (ngày 24/10), Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế đã được đón nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, chu kỳ 2022 - 2027 từ Trung tâm KĐCL giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là chu kỳ 2, nhà trường vượt qua các tiêu chí kiểm định, nhiều tiêu chí cũng được đánh giá cao so với chu kỳ 5 năm trước đó.

Không chỉ tại Trường ĐH Y - Dược, lễ khai giảng năm nay, Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng công bố và trao chứng nhận cho các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định. Trong đó, tại Trường ĐH Sư phạm là 3 chương trình đào tạo chính quy trình độ ĐH: Giáo dục chính trị, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học; Trường ĐH Ngoại ngữ là 2 chương trình đào tạo cho 2 ngành ngôn ngữ Anh và sư phạm tiếng Anh.

Đến nay, toàn ĐH Huế có 8 trường ĐH thành viên hoàn thành đánh giá nội bộ cấp ĐH Huế chất lượng cơ sở đào tạo. 7/8 đơn vị (ngoại trừ Trường ĐH Nghệ thuật) đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và 7 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường ĐH Y - Dược đã hoàn thành và đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Có 21 chương trình đào tạo đã được kiểm định cấp quốc gia, nhiều chương trình khác cũng hoàn thành tự đánh giá, đang chuẩn bị đánh giá ngoài theo chuẩn quốc gia. GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế cho biết, ngoài hoàn thành các kiểm định đã nói, công tác chuẩn bị và đăng ký kiểm định chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật xét nghiệm y học theo tiêu chuẩn AUN-QA (của tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường ĐH ASEAN) về cơ bản đã hoàn tất, ban thư ký AUN-QA đã thống nhất lịch đánh giá ngoài chương trình này tại trường vào tháng 7/2023.

Việc đánh giá ngoài được thực hiện bởi các trung tâm KĐCL giáo dục trong nước hay cao hơn là tổ chức đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường ĐH khu vực, quốc tế đều có bộ tiêu chí rất rõ ràng, khắt khe. Chỉ riêng KĐCL chương trình đào tạo, bộ tiêu chuẩn đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gồm 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí. Các tiêu chuẩn đánh giá triệt để các yếu tố liên quan, từ mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị… Tất cả đều được thực hiện khách quan, chặt chẽ từ các chuyên gia của trung tâm kiểm định độc lập, từ đó chỉ ra những mặt tích cực và những mặt cần phải điều chỉnh.

Đầu tư nghiêm túc, đúng hướng

Trên thực tế, các đơn vị đào tạo không phải chỉ trải qua một lần kiểm định, mà tiến hành theo từng chu kỳ và triển khai ở các chương trình đào tạo để minh chứng, công khai với xã hội. Để đạt được KĐCL đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải liên tục rà soát, có sự đầu tư nghiêm túc, dài hơi và kiên trì. Sự đầu tư không dàn trải mà cần tập trung vào những khuyến nghị của đoàn đánh giá, tránh lãng phí nguồn lực.

PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, công tác KĐCL đòi hỏi phải có sự bền bỉ. Cần có kế hoạch chi tiết, sau khi được tổ chức kiểm định đánh giá, nhà trường cần nghiên cứu các khuyến nghị để khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm để không ngừng cải tiến chương trình đào tạo, đạt được những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn kiểm định.

Theo TS. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, so với các trường thành viên của ĐH Huế, Trường ĐH Nghệ thuật thực hiện đánh giá ngoài muộn hơn do những đặc thù khác biệt. Song, hiện nay, nhà trường đang triển khai việc đánh giá ngoài, đã mời chuyên gia ĐH Huế tập huấn và triển khai viết một số tiêu chuẩn, tiêu chí và sưu tập minh chứng cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá ngoài bằng số hóa. Nhà trường chuẩn bị kỹ, sinh viên cũng tiếp cận các hoạt động đào tạo, nắm vững sứ mạng, các kế hoạch và chương trình đào tạo… để có những buổi phỏng vấn của các chuyên gia trong việc đánh giá ngoài giai đoạn 2023 - 2024.

Lãnh đạo ĐH Huế khẳng định, các đơn vị và các chương trình đã được KĐCL vẫn phải tiếp tục đầu tư, rà soát liên tục để cập nhật và nâng cao chất lượng, trong đó chương trình tiếp tục đổi mới theo thực tiễn yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. ĐH Huế cũng chỉ đạo các đơn vị huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, thư viện, khu vực tập luyện thể dục thể thao… đồng thời chuyển đổi số các lĩnh vực, đáp ứng xu thế để tiếp tục thực hiện KĐCL các chu kỳ tiếp theo và KĐCL ở cấp cao hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc