Học vi tính trong trường học
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong học tập hiện đang là vấn đề gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận, vì có cả mặt lợi và mặt hại.
Thực tế, giáo viên và phụ huynh đều mong muốn học sinh được sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học tập. Tận dụng việc đa số học sinh đều đã có điện thoại nên trong những tiết học, những giờ thảo luận nhóm, những bài tập giáo viên đưa ra được học sinh sử dụng điện thoại tra cứu thông tin, giải đáp đã trở nên bình thường. Ý kiến từ các trường cho rằng, học sinh thường làm dự án, làm việc nhóm, thuyết trình, trình bày bài bằng PowerPoint hay những bài thu hoạch khuyến khích mở rộng kiến thức… Nếu không cho các em dùng điện thoại, sẽ không thể thực hiện và hiệu quả cũng hạn chế.
Thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong, Hiệu Phó Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, thường cho học sinh học theo chuyên đề, theo dự án, do đó điện thoại rất cần để các em có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin. Mặt khác, thầy cũng thường cho học sinh kiểm tra bằng Google Forms nên các em không thể không sử dụng điện thoại. Để học sinh không làm việc riêng khi sử dụng điện thoại, chúng tôi thường đi xung quanh lớp để kiểm tra, xem các nhóm làm việc. Em nào không tập trung là tôi biết ngay - thầy Phong nói thêm.
Công nghệ ngày càng hiện đại, chiếc điện thoại thực sự là một phương tiện “đắc lực” cho cả các thầy, cô giáo và học sinh. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhiều trang mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp hay các trò chơi game trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều..., thu hút sự quan tâm của giới trẻ, nếu các em không ý thức tốt sẽ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh, thậm chí phạm pháp, mất tập trung dẫn đến giảm chất lượng học tập...
Với nhiều phụ huynh, cho con sử dụng điện thoại cũng mất nhiều thời gian cân nhắc. Chị Phạm Thị Thảo đang có con gái học lớp 10 Trường THPT Gia Hội cho biết, trước những vụ phát tán video clip học sinh đánh nhau, clip đen tràn lan trên mạng khiến chị vô cùng lo lắng. Tôi không cấm con dùng điện thoại, nhưng tôi muốn con biết cách dùng điện thoại hợp lý. Nên chăng, Bộ GD&ĐT có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng điện thoại. Sử dụng điện thoại lúc nào, sử dụng như thế nào, phòng chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo?
Nhiều trường cho học sinh mang điện thoại vào lớp, nhưng cũng có quy định hết sức nghiêm ngặt về việc này. Nếu các em lấy điện thoại ra trong khi giáo viên không yêu cầu thì sẽ bị tịch thu điện thoại và hạ bậc hạnh kiểm, bản thân giáo viên đứng lớp cũng bị trừ điểm thi đua do không quản lý tốt lớp học.
Theo cô giáo Hân, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Đình Túc, nhà trường chỉ cho phép học sinh đăng nhập vào một số website giáo dục hoặc trong lớp học. Giáo viên chỉ cho học sinh sử dụng điện thoại trong những khung giờ nhất định, như lúc làm bài tập, khi thuyết trình, làm bài thu hoạch mở rộng… ngoài thời gian đó thì không được sử dụng.
Vẫn có những phụ huynh lo lắng, ở nhà các em sử dụng điện thoại nhiều, nhưng trên lớp tiếp tục cho sử dụng sẽ khiến các em giảm sự tương tác với đời sống thực tế. “Nên hạn chế thời gian cho học sinh dùng điện thoại trong lớp và chỉ cho sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết”, nhiều phụ huynh bày tỏ.
Ngày 15/9/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó có điều 37 quy định việc sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Theo đó, các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào giáo viên thấy thực sự cần thiết và cho phép.
Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp, nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát. Do đó, các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, xây dựng cho các em ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hợp lý.
Bài, ảnh: Huế Thu