Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày ở Mỹ hiện đã giảm xuống trung bình khoảng 41.300 ca/ngày. Ảnh: AFP/TTXVN

Khả năng số ca nhiễm COVID-19 sẽ tăng đột biến vào mùa đông và nhu cầu cần có nhiều thời gian hơn để chuyển khỏi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là hai yếu tố góp phần vào quyết định không chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào tháng 1 tới như kế hoạch trước đó.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ban đầu được tuyên bố vào tháng 1 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và đã được gia hạn mỗi quý. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, chính phủ Mỹ phát đi tín hiệu sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp này vào tháng 1/2023.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) trước đó cho biết sẽ thông báo cho các tiểu bang 60 ngày trước khi cho phép kết thúc tình trạng khẩn cấp. Theo đó, thời hạn để thông báo cho các tiểu bang nếu không có kế hoạch gia hạn là ngày 11/11, nhưng vào thời điểm này, không có thông báo nào được đưa ra, điều đó đồng nghĩa với việc tình trạng khẩn cấp sẽ vẫn được duy trì. 

Theo các chuyên gia y tế, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ nhiều khả năng sẽ lại gia tăng là vào mùa đông này, do vậy, “đó không phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng”.

Dữ liệu mới nhất của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày ở Mỹ đã giảm xuống trung bình khoảng 41.300 ca vào ngày 9/11, nhưng trung bình mỗi ngày nước này vẫn ghi nhận khoảng 335 ca tử vong vì COVID-19. 

Số ca nhiễm được dự kiến ​​sẽ tăng chậm lên gần 70.000 ca/ngày vào tháng 2/2023, khi các sinh viên quay trở lại trường học và có nhiều cuộc họp mặt trong nhà vào kỳ nghỉ đông, và số trường hợp tử vong được dự báo vẫn duy trì ở mức hiện tại, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) của Đại học Washington cho biết trong một phân tích ngày 21/10. 

Theo các quan chức Mỹ, rất nhiều công việc sẽ phải được thực hiện để có thể chuyển khỏi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Chính phủ Mỹ đã trả tiền cho vaccine COVID-19, một số xét nghiệm và phương pháp điều trị nhất định, cũng như các dịch vụ chăm sóc khác theo Tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, chính phủ sẽ bắt đầu chuyển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến COVID-19 sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ.

Các quan chức y tế đã tổ chức các cuộc họp lớn với các công ty bảo hiểm và các công ty dược phẩm nước này về vấn đề chuyển việc mua bán, phân phối vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 cho khu vực tư nhân vào tháng 8 và tháng 10, nhưng từ đó đến nay không có công bố nào được đưa ra.

Tiến sĩ Jen Kates, phó chủ tịch cấp cao tại Quỹ Kaiser Family Foundation cho rằng thách thức lớn nhất là những người không có bảo hiểm. Hầu hết người Mỹ có bảo hiểm y tế được chính phủ hoặc tư nhân hậu thuẫn và dự kiến ​​sẽ không phải trả tiền cho các mũi vaccine COVID-19 cơ bản và cả mũi tăng cường, mặc dù họ có thể sẽ phải chịu một số chi phí tự trả cho các xét nghiệm và phương pháp điều trị. Trong khi đó, trẻ em dù có bảo hiểm hay không cũng sẽ tiếp tục được tiêm vaccine miễn phí, nhưng không rõ liệu đối tượng này có thể tránh được việc chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm và điều trị hay không.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)