Tham gia các CLB và các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ khi bước chân vào môi trường đại học. Ảnh: Câu lạc bộ kỹ năng lửa xanh cung cấp

Bỡ ngỡ và cô đơn

Trần Văn Thanh Hòa (quê Quảng Ngãi), sinh viên năm 2, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế, vẫn còn nhớ về những ngày đầu trở thành tân sinh viên. Môi trường học tập, sinh hoạt thay đổi, bạn bè mới lạ là những điều khiến Thanh Hòa cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng. “Bạn bè từ thời THPT mỗi người học mỗi nơi nên cũng dần ít chơi với nhau và không còn liên lạc thường xuyên. Trong khi bạn bè mới khiến em có cảm giác không thoải mái, cũng không thân thiết như các bạn ở quê. Những điều đó làm cho em cảm thấy cô đơn, dẫn đến tâm lý bất ổn”, Thanh Hòa chia sẻ.

 Là một sinh viên học xa nhà, khi đối diện với những bất ổn về mặt tâm lý, lắm lúc Thanh Hòa không biết chia sẻ cùng ai. Chàng trai trẻ chọn cách “giữ cho riêng mình” và “tập đối mặt, làm quen”. Thời điểm hiện tại, Thanh Hòa cho biết bản thân đôi lúc vẫn còn thấy rất cô đơn và nhớ nhà.

Tương tự Thanh Hòa, Võ Tuấn Khang (quê Quảng Trị) hiện đang là sinh viên năm 3, Trường đại học Luật, ĐH Huế cho biết, khó khăn vào những ngày đầu nhập học là xa nhà, tự lập và tự sắp xếp cuộc sống mới. “Thời gian đó, mình gọi điện cho gia đình, gặp gỡ bạn bè cũ và cố gắng kết bạn mới nhiều hơn để có thể quên đi cơn khủng hoảng tâm lý. Mình vẫn luôn tự nhủ rằng, nếu không dần hòa nhập thì sẽ mãi yếu đuối như vậy”, Tuấn Khang bày tỏ.

Không chỉ các bạn ngoại tỉnh, những bạn sinh viên người Huế cũng có nhiều bỡ ngỡ khi bước chân vào giảng đường đại học. Trần Quốc Huy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế nhớ lại mình đã rất tự tin vào bản thân trước khi bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, cảm giác tự ti và hoài nghi nhanh chóng ập đến với Quốc Huy khi học các môn đại cương và bị điểm thấp. Nam sinh cho biết, việc thay đổi thói quen học tập, cũng như những môn đại cương khó nhằn khiến cậu và nhiều bạn tân sinh viên cảm thấy môi trường đại học áp lực.

Vượt qua khủng hoảng

Theo Thanh Hòa, với tân sinh viên đến từ ngoài tỉnh, không có cha mẹ và người thân ở cùng, rất dễ gặp những khó khăn trong việc phải tự lập, tự quản lý mọi việc. Vượt qua được những trở ngại trong thời gian đầu, Thanh Hòa đưa ra lời khuyên cho các bạn tân sinh viên cần chú ý quản lý tài chính của mình, bố trí khoản tiền nào cho học phí, khoản nào cho tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí. “Sinh viên năm nhất thường sẽ được bố mẹ bao cấp, nhưng trong một khoản tiền nhất định, nếu chi tiêu mua sắm không có tính toán, cuộc sống của sinh viên chắc chắn sẽ gặp khó”, Thanh Hòa cho biết.

 Bên cạnh việc cân đối và quản lý thu, chi hợp lý, các bạn tân sinh viên cũng nên thể hiện tài năng, nhiệt huyết của mình để nhanh chóng hòa nhập trong môi trường mới. “Mình cho rằng các bạn trẻ không nên ngồi một chỗ và than vãn. Các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa ở trường đại học, các đội thanh niên tình nguyện, đội văn nghệ, từ đó cho mình sẽ có thêm những người bạn tốt, cùng chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn”, Tuấn Khang cho hay.

Theo thạc sĩ Mai Ngọc Châu, Bí thư Liên chi Đoàn khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, những sinh viên năm nhất dễ khủng hoảng một phần do thay đổi môi trường sống. Phần khác, sinh viên năm nhất chưa đủ kỹ năng xử lý tình huống nên càng thấy lo lắng với những điều mới lạ mà bản thân phải đối mặt. “Các bạn nên bình tĩnh, suy nghĩ kỹ, đối với những thứ ngoài khả năng nên hỏi người giúp đỡ mà mình tin cậy. Sinh viên cũng đừng quá sợ hãi, vì tuổi trẻ, ai cũng phải vấp váp và thất bại đôi lần để trưởng thành”, cô Châu phân tích.

ĐĂNG TRÌNH