Rất nhiều lãnh đạo, cán bộ bị bắt vì liên quan đến kit-test Việt Á. Ảnh: vnexpress

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Đó chính là lời thề độc lập - lời thề thiêng liêng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 2/3/1946, Chính phủ ra mắt Quốc hội đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã tuyên thệ nhậm chức: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, xin thề, xin cương quyết lãnh đạo Nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong việc, giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Hơn 1 năm sau, ngày 19/12/1946, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Bác đã thể hiện bằng ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Lời hiệu triệu cùng với lời tuyên thệ trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng những ngày đầu độc lập tạo nên ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Đó chính là quyết tâm sắt đá viết tiếp trang sử chống Mỹ cứu nước của hàng triệu thanh niên với ý chí “Ra đi giữ trọn lời thề/Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương”. Đó là ý chí và hành động không lay chuyển làm nên chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời tiên đoán của Bác trở thành lời thề mạnh mẽ nhất, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc.

Ôn lại kỷ niệm, Đại tá Cụm trưởng tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) nhớ lại khi được thông báo kết nạp Đảng năm mới 22 tuổi: “Chúng tôi thấu hiểu gia nhập Đảng là sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Lời thề lúc đó cũng đơn giản lắm. Tôi giơ tay cao thề trước cờ Đảng suốt đời hy sinh cho cho Chủ nghĩa cộng sản đến giọt máu cuối cùng, hơi thở cuối cùng”. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước bộc lộ: “Tôi đã tuyên thệ: “Suốt đời hy sinh vì sự nghiệp của Đảng… thì dù trường hợp nào cũng phải sống chết với lời thề đó”. Đơn giản với cuộc đời quý giá của họ được thay bằng ý chí sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho đất nước.

Trong chiến tranh chống Mỹ đã có hàng ngàn chiến sĩ trước khi ra trận với nhiệm vụ đặc biệt, biết trước có thể hy sinh và được đồng đội “truy điệu sống”, nhưng họ đã giơ cao tay thề sẵn sàng xông pha. Bởi vì trong suy nghĩ của họ dù khó khăn, gian khổ, cái chết kề bên không làm lung lay được ý chí. Lời thề trước Tổ quốc, trước đồng đội là giá trị về tinh thần, biểu lộ ý chí sắt đá, lời thề của danh dự.

Thật đáng buồn trong thời gian gần đây, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đánh mất lương tâm, danh dự, phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khởi tố, gần đây nhất là lãnh đạo ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y… Điều đó cho thấy sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ lãnh đạo đang là câu hỏi nhức nhối về ý chí phấn đấu. Thật trớ trêu khi mà con vi rút nhỏ bé mang tên Việt Á đã tấn công, làm lây nhiễm, phá hủy hệ miễn dịch hàng loạt cán bộ mà trước đó không ai ngờ họ lại bị “dính” vào con COVID-19 nhanh và nghiêm trọng đến thế.

Cán bộ lãnh đạo là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch cấp tỉnh, sĩ quan cấp tướng quân đội và hàng loạt cán bộ lãnh đạo CDC, cơ sở y tế các cấp bị đưa vào vòng lao lý vốn là nơi không phải dành cho họ. Lẽ ra phải là những người biết rõ tác hại của đại dịch khi mà hàng ngàn nhân viên y tế và các ngành xông pha vào tâm dịch để cứu chữa người bệnh thì họ lại cố tình chà đạp vào sự nỗ lực đó. Nếu xứng đáng hơn phải làm tấm gương kìm chế tham muốn cá nhân thì họ lại đi ngược lại lợi ích của đất nước, an toàn người bệnh, làm trái với lời thề với ngành y, lời thề với lý tưởng. Đó là sự bội ước hay đúng hơn là đã phản bội lại lời thề thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ vinh quang của Đảng. Họ đã giơ cao tay thề suốt đời phấn đấu, thế nhưng nhanh chóng quên mất lý tưởng, lao theo quyền lợi ích kỷ của cá nhân. Tiếc rằng những kẻ đó không còn là số ít.

Người Việt vốn có truyền thống trọng nghĩa tình, trọng danh dự nên rất trân trọng lời thề. Thề nguyện thường gắn với trượng phu, quang minh, chính đại, ý chí sắt son, “Lời thề như dao chém đá”, “Quân tử nhất ngôn”. Thời nhà Lý, sau khi lên ngôi, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng ngôi đền Đông cồ ở ngoài Hoàng Thành Thăng Long (nay thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội), lấy 25/3 âm lịch hàng năm làm ngày “Hội thề trung hiếu”...

Ngày nay, không có hội thề như xưa, thay vào đó là lời thề trước khi vào Đảng, lời thề kỷ luật của công an, quân đội, tuyên thệ nhậm chức của lãnh đạo cấp cao. Những lời thề đó là thể hiện danh dự, nhân phẩm, ý chí vươn lên làm những việc cao cả cho đời, cho sự nghiệp chung. Lời phát ra từ trong đáy lòng mỗi người là hết sức quý báu, nhất là những người giữ chức vụ cao còn là sức mạnh lan tỏa yên tâm, niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ.

Đừng ai nghĩ rằng lời thề là đơn giản. Ý nghĩa của nó còn chất chứa cả giá trị đạo đức, văn hóa, thể hiện phẩm cách tử tế của người biết trân trọng chính mình và cộng đồng xã hội. Họ đã bội ước lại danh dự, nhân phẩm hay phản bội lại Đảng chỉ vì quyền lợi ích kỷ cá nhân. Lãnh đạo càng có chức vụ cao lại càng phải biết giữ lời thề.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH