Cả nền kinh tế có sự bù đắp giữa các ngành, các lĩnh vực, các yếu tố nên có mức tăng trưởng ấn tượng. Dự kiến GDP của Việt Nam năm nay tăng trưởng 8%.

Trong bối cảnh chung như vậy nhưng một số ngành, lĩnh vực kinh tế rơi vào khó khăn. Càng về cuối năm càng gặp nhiều khó khăn hơn và chưa thể dự báo khi nào lấy lại đà thăng bằng. Điều này ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm của người lao động, đặc biệt là những ngành gia công, thâm dụng lao động. Nhiều số liệu cho thấy, trong thời gian qua, các ngành dệt may, da giày ở phía nam gặp nhiều khó khăn. Nhiều công ty đã cho công nhân giãn việc, nghỉ việc không thời hạn với một tỷ lệ cao, đến vài mươi %. Nguyên nhân chủ yếu làm cho các ngành gia công này rơi vào khó khăn là đơn hàng sụt giảm. Nhiều đơn vị còn cho biết tình hình có thể kéo dài đến năm 2023.

Mặt được lớn nhất của các ngành gia công là giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng mặt hạn chế là giá trị gia tăng thu được không cao mà nhiều nhà kinh tế cho rằng nằm ở cuối chuỗi sản xuất. Những trung tâm dệt may và da giày lớn đã thu dung một lượng rất lớn lao động. Ở vùng nông thôn không có công ăn việc làm, người lao động tìm đến các trung tâm này. Chưa có nghề thì các nhà máy đào tạo nghề, nếu cần cho công ty thì sẽ được chọn lọc, đào tạo nâng cao. Không làm được những khâu tinh xảo thì đảm nhiệm những khâu đơn giản. Nói chung, đã đến các trung tâm là đảm bảo gần như chắc chắn có việc làm. Tuy nhiên, mức lương thì sẽ khác nhau tùy theo tay nghề. Trong bối cảnh ở các vùng nông thôn tìm kiếm việc làm và thu nhập không dễ, những nơi có ngành công nghiệp gia công phát triển như một cực rất mạnh thu hút lao động. Ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam chúng ta hay nghe từ: “đi Bình Dương”. Tất nhiên người lao động ở các tỉnh phía nam và miền Tây Nam bộ quen gọi vậy nhưng không chỉ có Bình Dương mà nhiều tỉnh, thành khác, kể cả TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Ở Thừa Thiên Huế cũng có một ngành công nghiệp gia công mà mạnh nhất là dệt may, đặc biệt là ngành may mặc. Chiếm đến chừng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là từ ngành này. Có thể nói 2 nơi là thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền là hai “trung tâm” của ngành dệt may của tỉnh. Trong bối cảnh các nhà máy gia công ở phía nam gặp khó khăn, nhưng ở Thừa Thiên Huế áp lực chưa nặng nề. Tình trạng giãn việc, công nhân buộc phải tạm thời nghỉ việc mới chỉ lẻ tẻ!

Nhìn ở khía cạnh giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, dù sao đây cũng là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh không ít ngành rơi vào khó khăn như bất động sản, sản xuất và ngành nghề kinh doanh sắt thép… Điều này có được có lẽ là nhờ các công ty trong giai đoạn này vẫn đảm bảo đơn hàng. Bên cạnh đó là việc điều phối công việc hợp lý, sự chia sẻ giữa quyền lợi của công ty và người lao động…

Nguyên Lê