Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi biển năm học lớp 6 do nhà trường tổ chức trong những ngày đầu hè. Đó không phải là chuyến đi biển đầu tiên của tôi, nhưng là chuyến đi ấn tượng nhất. Ấn tượng bởi vì ở cái làng biển như cái ốc đảo giữa muôn trùng gió cát đó chỉ mấy chục nóc nhà thôi cũng có một lớp học và có một cô giáo đã bám trụ một mình để dạy học. Cô Khánh, người Quảng Bình, gầy gò nhưng nhanh nhẹn và rất vui tính. Nghe cô kể chuyện hoàn toàn không gợn chút buồn. Ăn một mình, ở một mình trong căn phòng phên nứa tạm bợ, giấc ngủ hàng đêm phải giật mình nghe biển gào sóng dữ, nhất là những ngày mưa bão tơi bời.

Buổi trưa đó cô còn nấu cho thầy trò từ trong làng ruộng ra một nồi khoai tím cát ăn ngọt chi lạ… Cô Khánh cứ bền bỉ dạy học trò làng biển Mỹ Hòa, Tân Hội mấy năm trời như rứa cho đến khi hai làng này nhập vô xã của tôi thì cô mới được vào dạy cơ sở trường chính. Những bạn học người làng biển Mỹ Hòa như Sương, Tuấn, Tươi, Ti Gôn… chắc chắn sẽ nhớ nhiều kỷ niệm về người cô đặc biệt đó.

Thầy Trai nhà ở Kim Long - Huế, về trường làng tôi làm hiệu phó và sau đó là hiệu trưởng. Thầy là một thầy giáo gần gũi không chỉ với học trò mà cả với người dân địa phương. Là bộ đội xuất ngũ nên thầy không nề hà bất cứ chuyện chi, từ đi gặt lúa giúp người dân đến uống rượu trắng đến hơn chục “chén cựa hàng” (loại chén lớn được bán ở cửa hàng mậu dịch hồi bao cấp) với mấy eng cán bộ xã mà vẫn tỉnh ro. Có lần vào chiều sinh hoạt đội, thầy Trai đã đọ sức vật tay với anh Khái học sinh lớp 9 ngay giữa sân trường trong tiếng hò reo cổ vũ của cả trăm học sinh và kết quả là bất phân thắng bại. Thầy gần gũi như rứa nên học trò mến lắm. Đêm chia tay thầy chuyển công tác, từ nữ đến nam đứa mô cũng thút thít…

Năm học lớp 8 tôi và mấy đứa bạn đã được ghé nhà thầy ở Huế. Lần đó, thầy và thầy Thương dạy thể dục dẫn một nhóm học sinh lớp 7 và 8 lên thị trấn Tứ Hạ dự Hội khỏe Phù Đổng. Chúng tôi đi đò lúc tờ mờ sáng để kịp sáng mai cắm trại và dự khai mạc. Đó là một chuyến đi quá vui. Học trò trường xa như chúng tôi chẳng nặng nề chi chuyện thành tích nên chơi là chủ yếu. Thằng Khanh thi đấu cờ vua chỉ mấy nước là thua. Thằng Chiến chạy 100m nửa đường thì rách quần. Chỉ có thằng Thành học lớp 7 nhưng to khỏe như thanh niên lại là sinh ra lớn lên ở vùng biển quen vượt mấy cây số cát đi học mỗi ngày nên rất khỏe, chạy Việt dã về thứ ba. Rứa là vui rồi! Còn thầy thì luôn động viên: "Nhứt biển nhì núi, các bạn trường khác cũng như mình thôi!".

Phần thưởng lớn nhất mà thầy cho chúng tôi sau kỳ thi đó là đi Huế chơi. Chiều hôm đó, hạ trại xong, thầy bắt xe đò cho chúng tôi vô Huế. Chúng tôi được 2 thầy dẫn đi coi cảnh Huế, tôi không còn nhớ lắm chỉ nhớ là có qua cầu Bạch Hổ thấy bầy chim én bám dày đặc đài nước, thằng Khanh la lên: “Thành phố chim còn nhiều hơn làng mình nữa mấy đứa bây ơi!”. Nhớ bữa cơm tối ở nhà thầy với món thịt kho chung với khuôn đậu. Nhớ nhất là buổi sáng hôm sau thầy dẫn cho cả nhóm đi uống cà phê ở một quán nhỏ xứ Kim Long gần nhà thầy. Thầy nói: "Mấy em uống cà phê cho biết". Mấy bàn bên khi đó lạ mắt nhìn mấy đứa học trò nhà quê tóc cháy nắng ngồi nhịp chân theo điệu nhạc lạ và núc một nghỉnh cà phê rồi đứa mô cũng kêu đắng...

Cũng mùa hè năm đó thầy chia tay trường làng tôi để đi nhận nhiệm sở mới ở Hương Toàn quê thầy. Đêm chia tay học trò đến chào thầy đông lắm. Thầy nói dù sau này có dạy ở mô cũng không bằng trường phổ thông cơ sở Điền Lộc bởi tuổi thanh xuân, tình yêu của thầy là ở đây...

Nhớ dãy nhà cấp 4 chật chội, tạm bợ của thầy cô trong khuôn viên của trường nắng thì rọi, mưa thì dột. Nhớ vườn rau mấy thầy cô xin giống của bà con trong làng về trồng để cải thiện thêm cho bữa ăn thiếu chất. Nhớ con heo thả của cô giáo chủ nhiệm lớp 9 mình chạy khắp sân trường làm bạn với lũ học trò. Ngày 20/11 học trò đến trường thăm thầy cô nhưng không có quà mà cũng chẳng tìm đâu ra hoa để tặng. Nhưng nhớ nhất là có lần thầy giáo chủ nhiệm bị cảm nặng, mấy đứa trong lớp góp tiền mua mấy lon sữa bò biếu thầy bồi dưỡng, tới thăm thầy mà chẳng đứa mô dám vô trước, cứ thụt vô thụt ra; rồi gặp thầy mà chẳng đứa mô dám mở lời, cứ để mấy lon sữa bò trên bàn rồi bỏ chạy...

Phi Tân