Người trẻ, trong đó có không ít học sinh - sinh viên vẫn sử dụng thuốc lá điện tử rồi trở thành thói quen dẫn đến nghiện. Ảnh: D. Trương

Con gái hiện đang là học sinh THCS một trường có tiếng trên địa bàn TP. Huế đi học về kể: “Mẹ ơi, bạn L. hút thuốc lá điện tử”. Sao con biết đó là thuốc lá điện tử? Bạn hút ở đâu mà con thấy? Con bé nhanh nhảu trả lời, đã thấy trên mạng và biết có rất nhiều mùi, màu. Con thấy bạn hút sau hành lang và cả lớp đều biết. Bạn đó (bạn L.) hút từ cấp 1, vì bạn học với con 5 năm cấp 1. Hồi đó bạn đã kể là chị bạn học cấp 2 cho bạn hút thử nên bạn hút từ đó đến nay đã 3 năm rồi.

Tôi khá bất ngờ và hỏi liệu ba mẹ bạn đó có biết, thì con gái tôi nói rằng ba mẹ bạn đi buôn bán quanh năm rất ít quan tâm mấy chị em, nên cả 3 chị em gái đều hút thuốc lá điện tử. Đáng buồn hơn là cậu con trai út học lớp 5 cũng nối gót các chị hút thuốc lá điện tử. Tôi đồ rằng, những cô cậu học sinh này chưa ý thức được tác hại của thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá thông thường. Các cháu hút thuốc cơ bản vẫn là để thể hiện bản thân hoặc bị bạn bè lôi kéo.

Những trường hợp vừa nêu không là cá biệt. Thử một vòng quanh các quán cà phê ở gần trường THCS, THPT sẽ không khó bắt gặp cảnh học sinh tụm năm, tụm bảy hút thuốc, uống cà phê, đánh bài. Có nhiều cháu cúp học thêm, thậm chí là học chính khóa để tụ tập, đua đòi các thói hư tật xấu, trong đó hút thuốc, đánh bài là chủ yếu.

Vào buổi tối, nếu có dịp đến phố Tây, ngồi ở bất kỳ quán nhậu, quán nước giải khát nào cũng không khó để thấy những nam sinh, nữ sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá thông thường rất tự nhiên, công khai. Đáng sợ hơn, một số nhóm học sinh còn hút Shisah - một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập, chứa Nicotine – một chất gây hưng phấn, gây nghiện. Shisha được hút qua “bộ lọc – waterpipe” là nước, tương tự như hút thuốc lào của Việt Nam, gồm sợi thuốc lá trộn với mật ong và hương liệu bạc hà, chocolate hoặc trái cây táo, dâu, cherry… Được “lọc” qua nước nên nhiều bạn trẻ nghĩ rằng ít gây tác hại. Nhưng thực tế, khói thuốc Shisha cho thấy tác hại không thua kém gì thuốc lá, thậm chí còn độc hơn. Chính vì thế, một người hút Shisah thường xuyên sẽ vẫn chịu những rủi ro mắc bệnh giống như người hút thuốc lá như ho lao, trụy tim và ung thư.

Tác hại lớn như vậy, nhưng ở rất nhiều nhà hàng, quán nhậu ở phố Tây không thiếu Shisha, chỉ cần khách có nhu cầu là được phục vụ. Mỗi bình Shisha tầm 300 ngàn đồng chung cho cả nhóm hút. Vậy nên cũng không quá khó để các nhóm bạn trẻ, trong đó có rất nhiều học sinh - sinh viên sử dụng loại thuốc này. Nếu vô tình ngồi kế bên, bạn sẽ thấy mùi thuốc này không quá khó chịu như thuốc lá thông thường. Do đó, người ta có thể lầm tưởng nó vô hại.

Cũng như Shisha, nhiều loại thuốc lá điện tử có tác hại khủng khiếp, không thua các loại thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Đáng buồn là, người trẻ, trong đó có không ít học sinh - sinh viên vẫn sử dụng thuốc lá điện tử rồi trở thành thói quen dẫn đến nghiện.

Theo lãnh đạo một số trường học trên địa bàn, ngoài thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức trong các tiết chào cờ, dán pano nơi dễ nhìn thấy và có chế tài khi phát hiện, bắt quả tang học sinh hút thuốc, song rất khó để buộc các cháu không hút hoặc cai hẳn thuốc lá nói chung. Để làm được điều đó, cần nhiều sự uốn nắn, giáo dục, định hướng từ gia đình, người thân và xã hội.

Linh Đan