Một em bé được đưa ra khỏi khu vực ngập lụt ở tiểu bang Selangor, Malaysia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Đáng chú ý, lần đầu tiên, Sáng kiến ​​“Hôm nay và Ngày mai” vừa được khởi động sẽ kết hợp tài trợ cho các chương trình phòng ngừa rủi ro và khả năng phục hồi ngay lập tức cho trẻ em hiện nay.

Bà Karin Hulshof, Phó Giám đốc Điều hành UNICEF về Quan hệ Đối tác cho biết: “Những rủi ro của biến đổi khí hậu không còn là giả thuyết nữa. Chúng đang ở đây. Và ngay cả khi chúng ta nỗ lực để xây dựng khả năng phục hồi nhanh của cộng đồng trước các thảm họa khí hậu, chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn nhiều trong việc ngăn chặn trước rủi ro cho con em của chúng ta”.

Trong một số liệu liên quan được công bố hồi năm ngoái, Chỉ số rủi ro khí hậu đối với trẻ em của UNICEF đã ước tính, 400 triệu trẻ em hiện đang phải đối mặt với các cơn lốc xoáy.

Được biết, trong 3 năm thí điểm đầu tiên, sáng kiến ​​này sẽ tập trung vào các quốc gia bao gồm: Bangladesh, Comoros, Haiti, Fiji, Madagascar, Mozambique, Quần đảo Solomon, và Vanuatu.

UNICEF đang huy động 30 triệu USD cho dự án nói trên, đồng thời kêu gọi thêm các đối tác công và tư tham gia cùng cơ quan này để thu hẹp khoảng cách tài chính nhân đạo ngày càng tăng đối với việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước các thảm họa.

Cũng theo UNICEF, Sáng kiến ​​“Hôm nay và Ngày mai” nhắm mục tiêu cụ thể đến “khoảng cách bảo vệ trẻ em”, với sự hỗ trợ đầy đủ cho tương lai, được bảo đảm bởi các Chính phủ Đức và Vương quốc Anh trong khuôn khổ Sáng kiến “Lá chắn toàn cầu” vừa được Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm V20 gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu khởi động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.

Về phần mình, bà Heike Henn, một quan chức thuộc Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức kỳ vọng sáng kiến ​​này sẽ được thực hiện trong các lĩnh vực, chẳng hạn như chia sẻ kiến ​​thức và nâng cao sự hiểu biết về những công cụ tài trợ rủi ro; cải thiện khả năng phục hồi trước những cú sốc của các tổ chức phát triển; đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách bảo vệ rủi ro thảm hoạ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh (DfID) Andrew Mitchell lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc mang lại nguồn tài chính cho lĩnh vực nhân đạo... bao gồm cả khoản tài trợ mới này cho UNICEF, nhằm bảo vệ lên tới 15 triệu trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình của họ trên khắp các khu vực châu Phi, Caribe, châu Á và Thái Bình Dương, đồng thời phản ứng nhanh chóng nếu các cơn bão nhiệt đới xảy ra.

UNICEF cho hay, lốc xoáy và các thảm họa do lốc xoáy gây ra, chẳng hạn như lũ lụt và lở đất, là loại thảm họa do ảnh hưởng của khí hậu với tốc độ gia tăng nhanh nhất, và cũng là nguyên nhân chính gây ra các tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)