Nhiều công trình nghiên cứu, sáng chế qua kết nối, giao dịch công nghệ, liên kết sản xuất đã đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng

Nghẽn nhiều thứ

Khi nói về thực trạng ứng dụng, chuyển giao KHCN, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống tại địa phương, GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh ví như hình ảnh "Con kiến leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến leo cành đào, leo phải cành cụt leo vào leo ra".

Đồng tình nhận định trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu những kết quả nghiên cứu, sáng chế không được các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) phát triển thành những sản phẩm mới, những công nghệ mới thì rất nhanh chóng trở nên lạc hậu. Vì qua kinh nghiệm, nếu muốn đăng ký sáng chế giải pháp, công trình nghiên cứu mất từ 7 - 8 tháng và thời gian để thẩm định nội dung mất từ 2 - 3 năm. Tiến độ đã làm giảm bớt tính mới, đó là chưa kể còn chờ quá trình chuyển giao, tạo ra sản phẩm thì "tính mới", tính "kịp thời" càng "nguội" hơn.

Một DN hoạt động trong lĩnh vực KHCN chia sẻ, mặc dù công ty đã sản xuất ra những chiếc máy xử lý nước và hiện rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt mua, nhưng mấy năm nay chỉ mới tiêu thụ được mười mấy máy. Hay sản phẩm khác là sơn chống thấm rất tốt, rất phù hợp với thời tiết khắc nghiệt của Huế, nhưng vẫn chưa được phát triển mạnh ra thị trường.

Nhà nước cũng đã có những chính sách ưu đãi, như: thuế, đất đai... , chẳng hạn được ưu đãi về thuê đất nhưng lại đang rất khó vì thiếu quỹ đất. Nên điều mà những DN KHCN, những nhà sáng chế đang cần là được liên kết, hợp tác với nhà sản xuất lớn để chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KHCN ra thị trường.

Theo đánh giá chung, hoạt động KHCN của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thị trường KHCN của Thừa Thiên Huế còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và chuyển giao công nghệ.

Số DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới cũng còn ít so với tổng số DN trên địa bàn. Trong bối cảnh lấy DN làm trung tâm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, số lượng nhiệm vụ của các chương trình KHCN có DN là đơn vị chủ trì còn khiêm tốn.

Tìm kiếm "thị trường" chuyển giao thích hợp

Để khắc phục những tồn tại, bất cấp, việc tạo ra mối liên kết giữa DN, các chủ thể sản xuất hàng hóa với hoạt động chuyển giao công nghệ của các tổ chức KHCN như viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn là hết sức cấp thiết. Sàn giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung cầu công nghệ được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN - Sở KH&CN vừa đi vào vận hành sẽ là cầu nối để thực hiện nhiệm vụ này.

Thời gian qua, thông qua việc triển khai các dự án, những công nghệ được lựa chọn chuyển giao áp dụng là những công nghệ tiên tiến đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ công nghệ, quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, bò chất lượng cao, các loại cây hoa màu hữu cơ... Ngoài ra còn giúp nâng giá trị thương hiệu sản phẩm từ các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Việc ứng dụng, chuyển giao KHCN còn góp phần phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế ở vùng nông thôn và miền núi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở vùng triển khai dự án. Đơn cử một số dự án như: dê A Lưới, hoa A Lưới, sâm cau Quảng Điền, cà gai leo và sa nhân tím ở Phong Điền, tinh dầu tràm Huế, thanh trà Huế, nấm linh chi ở Quảng Điền... Từ đó góp phần giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Từ những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với các sản phẩm nông nghiệp cụ thể được lựa chọn, một số dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Kết quả dự án đã được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia đã từng bước xã hội hóa, thu hút được nguồn lực rất lớn đầu tư cho KHCN của các DN trên địa bàn tỉnh. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ, thể hiện vai trò "bà đỡ" của nhà nước, giúp DN giải quyết các bài toán đổi mới công nghệ, hướng tới mục tiêu thương mại hóa và thu được lợi nhuận từ các sản phẩm mang hàm lượng KHCN cao, góp phần hình thành chuỗi liên kết, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa trong khu vực và vươn tầm quốc tế.

Đối với người dân, việc tham gia thực hiện các mô hình sản xuất góp phần hình thành tập quán canh tác, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. Bên cạnh đó, hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến... đã giúp các DN, các làng nghề có được đội ngũ nhân lực, chuyên gia về năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG