Đội ngũ cán bộ, nhà khoa học Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế tạo ra nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu. Ảnh: H.Phúc
“Xác định nguyên nhân gây bệnh rụng lá trên cây cao su và giải pháp phòng trừ tại Thừa Thiên Huế” là đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp tỉnh được đánh giá cao của Trường ĐH Nông Lâm. Đề tài có tính ứng dụng thực tiễn do GS. TS. Trần Đăng Hòa làm chủ nhiệm, hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện. Đây là một trong những đề tài NCKH góp phần phát triển đội ngũ trong Trường ĐH Nông Lâm.
Là đơn vị có tỷ lệ cán bộ có học hàm, học vị thuộc nhóm cao nhất ĐH Huế, hiện Trường ĐH Nông Lâm có 119 TS, 4 GS. Phát triển đội ngũ học hàm, học vị chất lượng gắn với nghiên cứu khoa học, đáp ứng hướng phát triển thành trường ĐH nghiên cứu, Trường đã xây dựng chính sách khuyến khích tài năng các nhà nghiên cứu gắn với các dự án quốc tế/ tham gia xuất bản nghiên cứu. Theo thầy Phạm Hữu Tỵ, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trường ĐH Nông lâm, chính sách khen thưởng của nhà trường gắn với quy định chung của ĐH Huế, trong đó cho phép chuyển đổi bài báo quốc tế sang giờ giảng dạy.
Tạo điều kiện và phát huy niềm đam mê nghiên cứu cho giảng viên, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) ra đời. Trong số đó có 8 nhóm NCM cấp trường, 7 nhóm NCM cấp ĐH Huế. Mục tiêu hướng về phục vụ đào tạo nghiên cứu sinh (NCS), xuất bản bài báo quốc tế, sản phẩm ứng dụng, đề tài có sản phẩm ứng dụng/ chuyển giao, sản xuất thử nghiệm hoặc thương mại hóa ra thị trường.
Một số dự án KHCN cấp tỉnh do cán bộ trường thực hiện cho ra đời những sản phẩm ứng dụng có giá trị thương mại cao như tinh bột nghệ, dầu bơ, các sản phẩm từ sen, dưa lưới, hoa chuông… Mỗi đề tài đều gắn liền với việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ và năng lực NCKH cho giảng viên, sinh viên.
TS. Võ Văn Quốc Bảo, giảng viên Khoa Cơ khí công nghệ là trưởng nhóm Nghiên cứu chế tạo vật liệu nano ứng dụng trong thực phẩm và nông nghiệp. Đây là một trong 8 nhóm NCM của trường. Nhóm tập hợp các chuyên gia từ cấp tiến sĩ trở lên, thực hiện các công trình nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm ứng dụng thương mại hóa. Một nhiệm vụ quan trọng không kém là các thành viên có khả năng đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Để tạo ra kinh phí hoạt động, ngoài phần hỗ trợ, các thành viên tự tìm đề tài dự án, tìm nguồn kinh phí giúp phát triển sản phẩm/quy trình công nghệ. Trên tinh thần làm việc chung, trao đổi kiến thức hướng đến tạo ra ý tưởng mới/ nghiên cứu chung để giúp nhau thông tin, nhóm có thể thành lập các nhóm con thực hiện nhiệm vụ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, nhóm NCM của TS. Quốc Bảo đã tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có khả năng nghiên cứu, đào tạo 1 thạc sĩ và đang tiếp tục kêu gọi đào tạo nghiên cứu sinh hoặc thực hiện dự kiến 2 bài báo quốc tế, 3 bài báo chuyên ngành. Nhìn tổng quan hoạt động của nhóm, TS. Quốc Bảo cho rằng nhóm đã đi được 2/3 chặng đường và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong NCKH.
GS.TS. Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nông Lâm là người thuộc 12 nhóm NCM của ĐH Huế từ ngày đầu thành lập. GS. TS Đăng Hòa cho hay, nghiên cứu theo nhóm sẽ tập hợp được sức mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm KHCN chất lượng cao. Qua đó, tạo động lực cho các nhà nghiên cứu, kết nối nhân lực, huy động sức mạnh tìm kiếm nguồn lực. Tuy nhiên, nhìn dưới một khía cạnh khác, điều này cũng tạo áp lực buộc nhà nghiên cứu phải vượt qua khó khăn, giải quyết tốt các vấn đề gặp phải trong nghiên cứu. Các nhóm NCM thường biến động nhân sự, kính phí khó khăn… Nhóm NCM hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc năng lực trưởng nhóm.
“Chủ trương thành lập nhóm NCM là đúng đắn, từ đó sẽ góp phần phát triển đội ngũ cán bộ học hàm học vị… Song muốn phát huy các nhóm này, phải tạo sự ổn định bằng cách đặt hàng cho các nhóm. Cần cụ thể hóa các chế độ ưu đãi của ĐH Huế phù hợp với nhà trường để nhà nghiên cứu có động lực thúc đẩy công việc”, GS. TS. Đăng Hòa nêu quan điểm.
Linh Tuệ