Nhiều lô “đất vàng” chỉ để không giữa trung tâm TP. HCM, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước (Ảnh minh họa)

Câu hỏi là tại sao lại dẫn đến tình trạng này, một nguồn lực quá lớn của đất nước bị lãng phí và không phát huy hiệu quả.

Lại nữa, hàng loạt thông tin về các cán bộ cao cấp, thấp cấp ở các tỉnh, thành bị kỷ luật, bị bắt. Hai vấn đề trên có liên quan gì đến nhau? Câu trả lời có thể là có. Bởi lãng phí của công thường luôn đi kèm với buông lỏng quản lý, tham nhũng, tư lợi… Nếu không nhận diện được nguyên nhân gây ra lãng phí thì có thể sự lãng phí sẽ còn tái diễn, không lớn thì nhỏ, không ở dạng này thì dạng khác, không ở nơi này thì nơi khác.

Nguyên nhân trước tiên cần nhìn nhận là buông lỏng quản lý. Nghĩa là có quản lý cũng như không hoặc có chủ đích lãng phí ngay từ đầu. Lãng phí ngay từ đầu được hiểu là những nhà đầu tư từ khi lập dự án đã biết hiệu quả nó không thể đưa lại như đã vẽ ra, nhưng vẫn cứ cố lập ra để dự án được tiến hành. Đi cùng với đó là những giải thích rất có lý cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội cao mà dự án đưa lại. Nhưng vì sao họ lại cố tình làm như vậy? Điều này chỉ có thể giải thích một cách thấu đáo nhất là từ động cơ kinh tế, có tư lợi. Không có tư lợi họ không hoặc ít có động lực để làm. Bởi những dự án “bánh vẽ” thường đi kèm với rủi ro nếu bị phát hiện. Những công trình gây ra lãng phí chúng ta thấy chưa có mấy người đứng ra chịu trách nhiệm, là bởi vì về mặt thủ tục tuân thủ các quy định đều được tiến hành chặt chẽ, đúng “quy trình”. Có thể hiểu, giữa quy định và thực tiễn còn có kẽ hở để những người không có động cơ tốt lợi dụng. Phải nghiên cứu để bịt kẽ hở này. Dù có quy định như thế nào thì điều mấu chốt là phải quy định cho được người phải chịu trách nhiệm nếu gây ra sự lãng phí. Làm được điều đó, ít nhất là nếu người nào có ý định lãng phí sẽ chùn tay, bởi sự tác động của yếu tố rủi ro lên họ sẽ lớn hơn - có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, uy tín, đạo đức…, thậm chí là rủi ro đối diện với pháp luật.

Khu đất 15 Lê Lợi, TP. Huế đang được cải tạo, nâng cấp sau nhiều năm “nằm im”

Có thể nguyên nhân là việc đánh giá tác động và hiệu quả của dự án chưa tốt. Điều này liên quan đến những người, những bộ phận có trách nhiệm tham gia đánh giá dự án. Ở đây có 2 khả năng xảy ra - một là năng lực yếu. Hai là thiếu trách nhiệm. Khả năng nào thì cũng tác động xấu đến “đồng tiền bát gạo” của ngân sách và xã hội. Năng lực yếu là không thấy hết được những diễn biến của tương lai; thiếu trách nhiệm là có thể đã nhận biết những hệ quả không tốt nhưng vì một lý do nào đó mà làm ngơ, bỏ qua, thậm chí là nói cho nó hay hơn thêm. Để hạn chế điều này, cần có sự chọn lựa một hội đồng thẩm định dự án có năng lực và tính độc lập cao. Bên cạnh đó là cần sự tham vấn nhiều chiều, thậm chí có những việc cần đưa ra tham khảo nhiều ý kiến phản biện, ý kiến trái chiều để bản chất khách quan của vấn đề được sáng tỏ. Những dự án càng lớn thì càng phải chú trọng điều này.

Có những vấn đề tưởng chừng như không dính dáng gì đến đầu tư xây dựng nhưng thật ra nó rất quan trọng. Đó là cán bộ. Đã nói đến cán bộ là nói đến công tác chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm… Khâu nào cũng quan trọng. Phải làm sao thật sự để chọn được cán bộ tốt. Cán bộ tốt thì ai cũng biết là có năng lực tốt, có đạo đức tốt. Càng phải coi trọng phẩm chất của người luôn đề cao danh dự và nhân phẩm, những giá trị phổ quát...

Tất nhiên để ngăn chặn lãng phí không phải chỉ làm chừng ấy là đủ, mà cần nhiều hơn thế nữa. Nhưng làm tốt những điều nói trên thì hy vọng tình hình đã tốt hơn lên rất nhiều.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: TL - MC