Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh minh họa: AP/TTXVN/Vietnam+

Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định rằng, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng có nguy cơ tạo ra những rủi ro mới.

Để giải quyết những thách thức này, nhóm phải cố gắng thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững. Trong số các đề xuất của ông để đạt được mục tiêu, có phương pháp thúc đẩy các dòng chảy thương mại tự do và cởi mở trong khu vực.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đây là “lý do tồn tại” của nhóm. Cụ thể, ông khẳng định: “Chúng ta nên làm việc cùng nhau để cải thiện khả năng phục hồi và tính cởi mở của chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Mặc dù có thể hiểu rằng các nền kinh tế ngày càng có mong muốn tự mình thúc đẩy sản xuất, song đại dịch đã cho thấy rằng “không có một nền kinh tế nào có hy vọng có thể tự cung tự cấp hoàn toàn”, Thủ tướng Lý Hiển Long lưu ý.

Trước tình huống này, Singapore sẽ tiếp tục quản lý Kế hoạch Hành động Khung Kết nối Chuỗi cung ứng APEC, bao gồm 8 điểm nghẽn cần được giải quyết để cải thiện hiệu suất của chuỗi cung ứng trong khu vực.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC cùng nhau giải quyết các điểm nghẽn và tạo ra một môi trường hỗ trợ hiệu quả, tăng cường khả năng kết nối và sự chắc chắn của chuỗi cung ứng, đồng thời hợp tác với khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như tiếp cận công nghệ và xây dựng năng lực.

Tăng trưởng nền kinh tế số

Cũng theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, APEC, với hơn 21 nền kinh tế chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nên phát triển nền kinh tế kỹ thuật số để trao quyền cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long: “Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ số hóa, nhưng các quy tắc quốc tế đã bị tụt lại phía sau”.

Tuy nhiên, khối có thể dẫn đầu bằng cách phát triển các quy tắc kỹ thuật số và thúc đẩy các luồng kỹ thuật số xuyên biên giới, đồng thời Lộ trình Nền kinh tế Internet và Kinh tế số của APEC cũng có thể đưa ra một khuôn khổ hướng dẫn phù hợp cho khu vực.

Ông lưu ý, Singapore có các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số - xác định các quy tắc khi tiến hành thương mại kỹ thuật số - với các nền kinh tế APEC như Australia, Chile, Hàn Quốc và New Zealand.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, những điều này sẽ nâng cao năng suất và giảm chi phí kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các phương thức hoạt động kỹ thuật số. Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA), hiện bao gồm Singapore, New Zealand và Chile sẽ được mở rộng sau khi Hàn Quốc, Canada và Trung Quốc nộp đơn xin tham gia.

“Tôi hoan nghênh nhiều nền kinh tế APEC tham gia cùng chúng tôi, hoặc cùng nhau phát triển một thỏa thuận kỹ thuật số mới”, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Giúp đỡ các doanh nghiệp APEC

Ông Lý Hiển Long cho rằng, các thành viên APEC phải nỗ lực vì sự tăng trưởng cân bằng và toàn diện cho người dân.

Điều này sẽ đảm bảo rằng tất cả các phân khúc người dân đều có thể tham gia và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Ông nhấn mạnh, những nỗ lực của Singapore trong việc này bao gồm đất nước đang tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình.

Đơn cử, có nhiều cách để các nhà nghiên cứu được biệt phái đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cường khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, Singapore cũng đang hành động nhiều hơn nữa để trang bị cho người dân những kỹ năng và kiến thức cho nền kinh tế tương lai, bao gồm thông qua việc nâng cấp các chương trình dành cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ.

Thủ tướng Lý Hiển Long lưu ý: Kế hoạch Hành động Aotearoa của APEC, với tầm nhìn về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040 đã nắm bắt được nhiều điều thú vị và hữu ích cho nhóm khu vực.

Singapore sẽ đóng vai trò của mình, chẳng hạn như bằng cách đào tạo các quan chức APEC theo Chương trình Hợp tác Singapore.

Được biết, Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với hơn 150.000 quan chức nước ngoài và đưa ra Kế hoạch hành động bền vững để hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển về tính bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu.

Với sự lãnh đạo tập thể của chúng ta, ông Lý Hiển Long tin rằng APEC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được tăng trưởng cân bằng, toàn diện và bền vững cho các nền kinh tế của khối.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)