Kiểm tra ngư cụ đánh bắt thuỷ sản trên đầm phá Tam Giang

Sau một thời gian tạm lắng, nạn khai thác huỷ diệt thuỷ sản lại tiếp tục tái diễn, diễn biến phức tạp. Nhiều nỗ lực và biện pháp xử lý, xử phạt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa đủ sức răn đe là một trong những nguyên nhân chính khiến nạn khai thác huỷ diệt thuỷ sản vẫn tái diễn dai dẳng.

Tin từ Chi cục Thuỷ sản tỉnh vào ngày 19/11, cơ quan chức năng vừa xử phạt hành chính một trường hợp đánh bắt thuỷ sản trái phép thông qua phản ánh của người dân trên Hue-S. Đối tượng bị xử phạt 17,5 triệu đồng là ông H.V.D ở phường Hương Sơ (TP. Huế) về hành vi sử dụng kích điện đánh bắt cá trên đồng ở phường Hương Sơ vào ngày 11/11.

Sau khi trường hợp trên bị xử phạt, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với đối tượng vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như ông D. là quá cao. Gia đình ông D. sẽ khó có khả năng về kinh phí để nộp phạt. Nhiều ý kiến ngược lại, phải phạt nặng, đúng theo quy định pháp luật mới đủ sức răn đe, tài nguyên, NLTS, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm mới được bảo vệ an toàn.

Xuồng tuần tra, bảo vệ NLTS  tại Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền) không đáp ứng yêu cầu

Theo cơ quan chức năng, hành vi của ông D. đã vi phạm quy định tại “Điểm a, khoản 3, Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP”. Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật là điều cần thiết, bắt buộc nhằm răn đe, phòng chống triệt để nạn khai thác huỷ diệt NLTS.

Nạn khai thác NLTS trái phép vừa tái diễn khá phức tạp tại nhiều địa phương. Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong (TP. Huế), ông La Tiềm đánh giá, ý thức bảo vệ NLTS của Nhân dân những năm gần đây cải thiện rất nhiều, vụ vi phạm về khai thác thuỷ sản trái phép hằng năm đều giảm. Các lực lượng chức năng truy đuổi, ngăn chặn nhiều vụ xâm hại vùng nước bảo tồn. Tuy nhiên gần đây, nạn khai thác huỷ diệt thuỷ sản lại tái diễn, các đối tượng vi phạm chủ yếu từ nơi khác đến.

Tại huyện Quảng Điền từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm, xử phạt gần 45 triệu đồng, chủ yếu các hành vi đánh bắt thuỷ sản trái phép bằng xung điện. Phó Tpưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, bà Trần Thị Thanh Nhã thông tin, thời gian qua, các địa phương chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Nạn đánh bắt, khai thác huỷ diệt thuỷ sản trên sông, đầm phá Tam Giang, nội đồng từng bước đẩy lùi, nhưng khó có thể ngăn chặn triệt để.

Hoạt động khai thác gắn với bảo vệ NLTS ở đầm phá Quảng Điền

Các chi hội nghề cá từng bước được đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ tuần tra, truy đuổi, xử lý vi phạm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu. Trong khi các đối tượng vi phạm khá manh động, đi theo nhóm với phương tiện ghe, đò công suất lớn thì phương tiện nghiệp vụ của các chi hội nghề cá có công suất nhỏ, không thể truy bắt các phương tiện vi phạm.

Một trong những giải pháp bảo vệ NLTS của huyện Quảng Điền là kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, ngư dân thông qua hoạt động tái tạo NLTS. Từ đầu năm đến nay, tại 4 khu bảo vệ NLTS trên địa bàn huyện đã thả hơn 35 vạn con tôm sú giống và 15 ngàn con cua giống…

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, đơn vị tổ chức 21 đợt tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ hải sản trên biển, sông và đầm phá. Theo đó, phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm 17 vụ, phạt hành chính gần 47 triệu đồng, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị vi phạm.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh cũng đã hỗ trợ, triển khai cắm mốc ranh giới nghiêm cấm khai thác, vùng bảo vệ nghiêm ngặt tại 22 khu bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ giám sát, tuần tra, bảo vệ ngư trường, NLTS cho 22 chi hội nghề cá. Chi cục tổ chức thả 4 triệu con giống thuỷ sản các loại trên sông, biển và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động, hội thi tìm hiểu, nâng cao nhận thức về bảo vệ NLTS.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU