Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg Television ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 19/11, người đứng đầu IMF nói rằng, điều bà đang hy vọng được chứng kiến là một số sự đảo ngược trong các khối chính sách trên toàn cầu.

“Thế giới sẽ tổn thất 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ vì sự chia rẽ có thể chia chúng ta thành 2 khối thương mại. Đó là con số 1,4 nghìn tỷ USD”, bà Kristalina Georgieva lưu ý.

Đối với khu vực châu Á, tổn thất tiềm tàng có thể lớn hơn gấp đôi, tương đương hơn 3% GDP, do khu vực này hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Kristalina Georgieva cho biết bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vừa bế mạc cùng ngày 19/11 tại Bangkok, Thái Lan.

Cũng theo bà Kristalina Georgieva, mặc dù sự chia rẽ thương mại nói trên sẽ gây ra tổn thất đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, yếu tố lớn nhất làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu vẫn là cuộc xung đột ở Ukraine.

IMF cảnh báo, tình trạng lạm phát đang tác động nặng nề nhất đến các quốc gia đang phát triển; qua đó, cơ quan này kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực để làm giảm tốc độ tăng giá, đồng thời đưa ra một số chính sách trợ cấp, đặc biệt là về chi phí lương thực.

Cho đến nay, đồng USD tăng giá đang tiếp tục gây ra nhiều vấn đề trên khắp những thị trường mới nổi, khi các nhà đầu tư đổ xô tìm đến tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh những dấu hiệu cho thấy phần lớn nền kinh tế toàn cầu có thể đang tiến tới một cuộc suy thoái.

Từ đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực châu Á cần cùng nhau nỗ lực để vượt qua tình trạng phân mảnh, nhằm duy trì tăng trưởng, nhất là khi phải đứng trước vô số cú sốc kinh tế khác gây ra bởi đại dịch COVID-19, cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như chi phí sinh hoạt gia tăng.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Bloomberg)