Cấy lúa bằng cơ giới

Ông Ngô Đình Chiến ở xã Quảng Phú nói: “Lâu rồi, chưa có năm nào mưa lũ lại xảy ra đột ngột, lại nhằm vào giai đoạn lúa làm đòng. Một mẫu rưỡi lúa đang trong thời kỳ làm đòng thì bị ngập lụt, kéo dài cả tuần nên bị mất trắng”. Các hộ có diện tích trồng lúa khá lớn như ông Lê Hòa, Nguyễn Bá Lê... cũng xót lòng khi bị thiệt hại hoàn toàn và đang gặp khó trong sản xuất vụ hè thu. Ông Võ Hồng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Hòa, xã Quảng Phú cho biết, đợt lũ còn làm ngập úng khoảng 120ha lúa toàn xã, trong đó khoảng 50ha bị thiệt hại hoàn toàn, còn lại năng suất bị giảm khoảng 30%... Còn tại xã Quảng Thọ, có khoảng 150ha lúa đang trong thời kỳ làm đòng bị ngập dài ngày nên tử đòng, lúa không trổ được, hoặc trổ nhưng không vào chắc. Trong số diện tích bị ngập có khoảng 40ha mất trắng, còn lại bị thiệt hại từ 30% đến 70%... Nặng hơn là thị trấn Sịa có đến 120ha bị mất năng suất hoàn toàn.

Ông Thái Toản, nông dân xã Quảng Phú than thở: “Thiệt hại đã đành. Khó khăn lớn bây giờ là kinh phí tái đầu tư sản xuất cho vụ hè thu 2015. Trồng một mẫu lúa nếu đạt năng suất cao cũng thu lãi trên 10 triệu đồng, không chỉ trang trải mọi chi phí sinh hoạt, đời sống mà còn có điều kiện để đầu tư tái sản xuất vụ sau. Chi phí trồng mười sào lúa, tính cả giống má, cày cấy, phân bón... cũng gần cả chục triệu đồng. Giờ vụ đông xuân bị mất trắng, gia đình đành phải vay mượn, hoặc mua nợ giống, phân bón của HTX để sản xuất cho kịp thời vụ”.

Hộ ông Ngô Đình Chiến ở xã Quảng Phú mất trắng 1,5 mẫu lúa nên gia đình ông Chiến chưa biết xoay xở như thể nào để sản xuất vụ hè thu đang cận kề. “Chính quyền địa phương, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn có chính sách, tạo điều kiện cho người dân được mua nợ giống, phân bón, dịch vụ làm đất... để kịp thời gieo cấy vụ hè thu. Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ trả nợ cho các HTX”, đó là nguyện vọng của ông Chiến, cũng như nhiều nông dân bị thiệt hại trong vụ đông xuân.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, trước những thiệt hại trên, phòng cũng đã làm việc với một số HTX, trước mắt tạo điều kiện cho nông dân mua nợ vật tư nông nghiệp, giống má, phân bón để kịp thời sản xuất vụ hè thu 2015; đồng thời cũng đã tham mưu UBND huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ thiệt hại cho dân theo quy định của Nhà nước.

Toàn vụ hè thu 2015, huyện Quảng Điền dự kiến gieo cấy khoảng 4.300 ha lúa, tổng lượng khoảng 400 tấn giống cấp 1, gồm TH5, HT1, Khang dân... Nguồn giống thường đặt mua tại một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là tại Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh. Nông dân đăng ký mua giống tại công ty thông qua các HTX, sau đó phân phối cho bà con. Ông Võ Hồng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Hòa, xã Quảng Phú cho biết, trong điều kiện khó khăn do mưa lũ gây thiệt hại, HTX đứng ra đăng ký mua giống, phân bón tại các công ty, sau đó bán nợ cho các hộ dân có nhu cầu. Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ hoàn trả nợ cho HTX. Đó cũng là giải pháp mà các HTX, các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, triển khai thực hiện nhằm giúp dân có điều kiện sản xuất kịp thời vụ hè thu 2015.

Tại Quyết định số 09 của UBND tỉnh và Nghị định 42 của Chính phủ quy định đối với các hộ có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai, mỗi sào lúa bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ 250 ngàn đồng. Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, thống kê thiệt hại, UBND huyện Quảng Điền cũng đã đề xuất, kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định... Vụ hè thu 2015 đang được các địa phương khẩn trương triển khai, có nơi đã tiến hành gieo sạ, cấy giống, phần lớn đang làm đất chuẩn bị gieo cấy... Phấn đấu đảm bảo lúa trổ tập trung từ ngày 17-7 đến 30-7, thu hoạch trước ngày 2-9 theo quy định khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bài, ảnh: Hoàng Thế