Các nghệ nhân biểu diễn những làn điệu hát bài chòi tại lễ khai mạc lớp tập huấn
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Việt Đức cho biết, những năm qua, để bảo tồn di sản bài chòi, huyện đã lồng ghép loại hình nghệ thuật này vào dịp lễ tết và những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của huyện. Qua đó, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách, từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi, nhất là đến thế hệ trẻ, ngành văn hóa cùng ngành giáo dục phối hợp tổ chức lớp tập huấn trong 10 ngày cho hơn 100 học viên là giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách, cán bộ yêu thích hò vè và học sinh các trường trên địa bàn.
Tại khóa tập huấn, các học viên được những nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu truyền dạy những kiến thức về các hình thức diễn xướng ở duyên hải miền Trung của hô hát bài chòi; lịch sử hình thành và phát triển bài chòi vùng duyên hải Trung bộ; cách hô hát các làn điệu chính….
“Đây là cơ hội để các em học sinh được tiếp cận loại hình văn hóa di sản bài chòi, từ đó giúp các em hiểu và gợi niềm yêu thích loại hình văn hóa của cha ông để lại. Đồng thời, thông qua lớp tập huấn này tạo sự kế thừa cho giới trẻ về di sản nghệ thuật bài chòi nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn huyện Quảng Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ trong phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.
Tin, ảnh: THÁI BÌNH