Công tác giáo dục, đào tạo nghệ thuật trong thời đại 4.0 gắn liền với bảo tồn với phát huy giá trị di sản
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có sự thay đổi này mới giúp việc dạy và học phát huy được khả năng sáng tạo, học tập và nghiệp cứu cũng như ứng biến nhanh trong xử lý tình huống, trải nghiệm thực tiễn... khi bàn về “đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong thời đại 4.0”.
Chuyển đổi số kết hợp giáo dục truyền thống
“Công nghệ tin học và truyền thông đã thâm nhập sâu vào đời sống, tạo ra những phương thức kết nối xã hội mới, có ảnh hưởng to lớn đến việc sản xuất và phân phối văn hóa nói chung, văn hóa nghệ thuật nói riêng”, TS. Thái Đình Dũng, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã nhấn mạnh như thế khi bàn về đào tạo văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo TS. Dũng, mục tiêu đặt ra là đổi mới và hội nhập nhưng trên cơ sở vẫn phải giữ được những nét đặc thù của giáo dục Việt Nam, đồng thời tiệm cận được các tiêu chuẩn chung của thế giới. Để làm được việc này, cần phải chú trọng tuyển sinh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tùy đặc thù địa phương và vùng miền. Ngoài ra, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên được tham gia biểu diễn cùng các đơn vị văn hóa nghệ thuật trên địa bàn. Điều này, vừa có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thị trường, nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ, thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng, vừa là cơ hội làm quen để đúc rút thành lý luận phục vụ cho công tác giảng dạy, đào tạo và gắn với thực tiễn xã hội.
Nói về ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, vị giảng viên này cho rằng, các giảng viên nghệ thuật với kiểu đào tạo đặc thù thiên về thực hành, kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Tuy nhiên, không thể vì sự “đặc thù” đó mà các giảng viên nghệ thuật lại tụt hậu, chậm cập nhật so với các ngành nghề khác. Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ, giúp người dạy tiếp cận một cách nhanh chóng để tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc, xây dựng văn hóa số trong đào tạo.
“Sự kết hợp chuyển đổi song song đồng hành cùng với giáo dục kiểu truyền thống sẽ bổ trợ giúp cho phương thức đào tạo được nâng cao, đó cũng là hướng đi phù hợp trong xu thế phát triển thời đại công nghệ 4.0”, TS. Dũng nhấn mạnh.
Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống
Bên cạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, việc phát huy giá trị để giữ gìn những giá trị di sản nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống có vai trò vô cùng quan trọng. TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh cho rằng, công tác đưa di sản nghệ thuật truyền thống vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học là cách phát huy hiệu quả giá trị, tạo nên sức sống bền vững cho di sản. Mặt khác, đối với học sinh, các em sẽ được bổ trợ kiến thức nghệ thuật, xã hội, lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống, thẩm mỹ và hoàn thiện nhân cách.
Theo TS. Trần Văn Dũng, công tác đưa di sản nghệ thuật truyền thống Huế vào trường học là một việc làm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với các nhà quản lý văn hóa, giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
“Vì thế, theo tôi chương trình giáo dục di sản nghệ thuật truyền thống cần được triển khai có chiều sâu ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh, cũng như tìm được sự đồng thuận, quan tâm và quyết tâm của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và các sở ban ngành của tỉnh. Đồng thời, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đưa di sản nghệ thuật truyền thống vào trường học”, TS. Trần Văn Dũng hy vọng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, đó là Học viện Âm nhạc Huế, Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Ngoài ra còn có một số trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành nghề về văn hóa nghệ thuật.
Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo văn hóa nghệ thuật cũng phải tăng tốc để bắt kịp xu thế. Theo ông Hải, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh cách mạng 4.0 và xu thế chuyển đổi số quốc gia, các cơ sở giáo dục, đào tạo văn hóa, nghệ thuật cần phải không ngừng đổi mới hoạt động đào tạo trên tất cả các mặt.
Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu, vị thế, lợi thế của các cơ sở đào tạo phải duy trì chất lượng đầu ra, liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Ngoài ra, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật cho cơ sở. Cùng với đó tăng cường hoạt động giao lưu, liên kết các trường, cơ sở văn hóa, nghệ thuật trong cả nước.
Đặc biệt, phải định hướng mở rộng đào tạo các ngành nghề phục vụ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Bài, ảnh: NHẬT MINH