Những lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho các phụ huynh giúp người lớn hiểu về con trẻ nhiều hơn

Hồi chuông báo động

Còn nhớ, năm 2017 tại Huế, em N.T.A.D sau khi xích mích với gia đình đã bỏ đi khỏi nhà rồi quyết định ra sông tự vẫn. Dù được một số người phát hiện và nhanh chóng nhảy xuống cứu nhưng không kịp, em đã bị dòng nước nhấn chìm.

Hay cách đây không lâu, mạng xã hội rúng động trước sự việc nam sinh L.N.N.M, học sinh một trường chuyên tại Hà Nội để lại thư tuyệt mệnh rồi trèo ra khỏi lan can, gieo mình tự vẫn trước sự chứng kiến và bất lực của người cha.

Những năm gần đây, câu chuyện trẻ em độ tuổi vị thành niên tử vong do tự tử dần trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Trong đó, Việt Nam là một trong 13 quốc gia có tỷ lệ thanh, thiếu niên tự tử cao nhất (1,8/100.000) theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2016. Những số liệu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay.

Cần sự đồng hành, sẻ chia

Xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ về những tác động tiêu cực đến trẻ em. Sự tràn lan của các video độc hại trên youtube khiến nhiều trẻ em có những suy nghĩ lệch lạc đã được cảnh báo từ lâu. Bên cạnh đó, lo âu, trầm cảm cũng là nguyên nhân phổ biến khiến tâm lý các em trở nên bất ổn, bởi ở lứa tuổi vị thành niên, các em rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm, sinh lý ở lứa tuổi này.

Là người đã đồng hành cùng các hoạt động vì trẻ em những năm qua, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phần nào thấu hiểu những khúc mắc trong tâm lý của trẻ em. Bà Hòa kể, có lần tâm sự cùng một em học sinh tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, bà được nghe em chia sẻ về áp lực học tập, thi cử. Với lịch học quá dày từ học chính khóa đến học thêm đã chiếm hầu hết thời gian, làm cho em cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Đặc biệt, sau những lần bị điểm kém hay thi trượt, em cũng thường bị “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực.

Mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên có những suy nghĩ tiêu cực. “Hiện nay, vấn nạn bạo lực học đường dần trở nên nhức nhối trong trường học, trong khi nhiều phụ huynh không hiểu được con. Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống”, bà Hòa phân tích.

Bà Hòa cho rằng, cha mẹ cần tôn trọng và sẻ chia hơn nữa đối với con: “Trong giai đoạn này, sự phát triển cái "tôi" ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.

Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao, vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ. Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ”.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH