Phát hiện điện thoại Iphone nhập lậu tại cửa hàng kinh doanh điện thoại di động. Ảnh: Hùng Sơn

Kịp thời ngăn chặn, xử lý

Gần đây, lực lượng nghiệp vụ công an toàn tỉnh đã kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều ô tô vận chuyển hàng lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tại địa phận thôn Đồng Lâm, xã Phong An (Phong Điền), tổ công tác thuộc Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh phát hiện ô tô tải BKS 74C-107.21 chở 3 tấn đường, 10 thùng dầu ăn, 10 thùng bánh nhãn hiệu Thái Lan, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Điều đáng nói, số hàng lậu này được tài xế ngụy trang tinh vi, bên dưới còn có thêm 1 mô tô nhãn hiệu Yamaha không có biển số, không có giấy đăng ký xe.

Tại đường phía tây TP. Huế đoạn qua xã Hương Thọ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Huế phát hiện ô tô tải BKS 89C - 210.67 chở 120 quả pháo điện, 319 bộ đồ chơi trẻ em, 315 sản phẩm mỹ phẩm các loại... có nhãn mác chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, Đội Cảnh sát kinh tế đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Huế phát hiện xe ô tô tải BKS 89C - 210.67 chở 120 quả pháo điện và nhiều hàng hóa không hóa đơn, chứng từ

Chỉ trong 1 ngày, Công an huyện Phong Điền phối hợp với lực lượng chức năng khác phát hiện 2 ô tô vận chuyển lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ gồm: 336 túi xách, 285 đôi giày, dép các loại và 8.000 con gà, vịt giống; 250 túi đựng đồ và 620 áo quần các loại.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã tịch thu hàng hóa, xử phạt 8 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, máy tính bảng nhập lậu trên địa bàn TX. Hương Thủy.

Tăng phối hợp, siết quản lý

Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh chia sẻ, dịp cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, nên các đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật để vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh né lực lượng chức năng kiểm tra.

Một trong những chiêu thức của các đối tượng là, sử dụng hóa đơn chứng từ có giá trị thấp, kê khai sai giá bán nhiều lần, nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu; trưng bày mặt hàng bảo đảm thủ tục và chỉ để một số lượng nhỏ hàng mẫu giới thiệu khách hàng tại quầy, còn hàng lậu, hàng cấm được cất giấu ở kho bãi xa địa điểm kinh doanh.

Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, càng cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả diễn biến càng phức tạp, không những ở khâu lưu thông vận chuyển, mà cả ở các điểm buôn bán kinh doanh hàng hóa cố định trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục ngăn chặn, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhiều giải pháp được các sở, ban, ngành đặt ra. Đó là, xây dựng các phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nổi cộm; thường xuyên trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin với các ngành, lực lượng chức năng; xử lý nghiêm minh, công khai các tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Thực tế đặt ra, tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn là giải pháp kịp thời, hiệu quả nhất.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục QLTT tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan chức năng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý địa bàn; kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn có hiệu quả, hạn chế các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, đơn vị đã triển khai đến công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; nhất là tại cửa khẩu, khu vực biên giới, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất, người tiêu dùng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những tháng cuối năm 2022.

Bài, ảnh: Anh Phong