Dự án “Đậu phộng tỏi ớt” của anh Ngô Minh Hiếu hiện tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương

Tạo đà cho người trẻ

Đầu tháng 11 vừa qua, Tỉnh đoàn tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp năm 2022. Đây là lần thứ hai cuộc thi được tổ chức và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.

Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý tưởng đăng ký tham gia cuộc thi từ các thí sinh và nhóm thí sinh. Các ý tưởng tham gia cuộc thi lần này đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghệ, du lịch, dịch vụ. Kết quả chung cuộc, giải nhất cuộc thi được trao cho anh Ngô Minh Hiếu (huyện Quảng Điền) với dự án (DA) “Đậu phộng tỏi ớt”.

Hiện DA của anh Ngô Minh Hiếu mang lại doanh thu khoảng 230 triệu đồng/tháng và hỗ trợ việc làm cho 10 lao động trên địa bàn. Chàng trai 9x tiết lộ, đến nay sản phẩm "đậu phộng tỏi ớt" đã có mặt tại hơn 200 nhà hàng trên cả nước và có tiềm năng mở rộng thị trường rất lớn.

“Hội thi lần này giúp bản thân có cơ hội được các chuyên gia đầu ngành tư vấn hỗ trợ, đây sẽ là kinh nghiệm và kiến thức quý báu hỗ trợ cho việc phát triển DA trong thời gian tới”, anh Hiếu chia sẻ.

Được biết, DA “Đậu phộng tỏi ớt” còn được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng với lãi suất 0% trong vòng 3 năm. Đây sẽ là sự hỗ trợ kịp thời giúp DA có thêm kinh phí mua sắm máy móc và trang thiết bị để ra mắt các dòng sản phẩm mới như: đậu phộng da cá, đậu phộng nhiều hương vị…

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, qua 2 lần tổ chức, Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành sân chơi quy mô cấp tỉnh về khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Qua đó, góp phần khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cũng như khích lệ khát vọng làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

Nhiều bạn trẻ xuất phát từ cuộc thi dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều mô hình hay, ý tưởng sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và ngày càng phát triển như: DA Yến sào Đoan Ngọ; DA Du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm vườn cây ăn trái trên vùng gò đồi; DA Ứng dụng drone vào canh tác nông nghiệp.... Ngoài ra, có nhiều thí sinh đã đăng ký thành lập doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập chủ động và tạo việc làm cho các lao động tại địa phương. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên.

Đồng hành khởi nghiệp

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng và có thể xem đây là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên là việc làm hết sức cần thiết.

Trước yêu cầu đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 ­­- 2022” với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; với hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên về vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp.

Giai đoạn 2018 ­­- 2022, thông qua Đề án đã tổ chức 29 hoạt động cấp tỉnh nhằm truyền thông về khởi nghiệp; tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ các nguồn vốn; thành lập các mô hình, CLB thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các diễn đàn, đối thoại chính sách; giao lưu giữa doanh nhân thành đạt với thanh niên…

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh đang quản lý đạt 187,354 tỷ đồng, với 140 tổ vay vốn và tiết kiệm và có trên 5 nghìn trường hợp vay. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng giải ngân nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 9 DA vay vốn, với số vốn hỗ trợ 50 triệu đồng/DA, lãi suất 0% trong 3 năm.

Tuy đạt được những thành quả nhất định, nhưng Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 ­ 2022” vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, quan trọng nhất là các mô hình kinh tế của thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm đầu ra từ các mô hình còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, chủ yếu bán trên thị trường tự do, không qua hợp đồng, liên kết với các đơn vị thu mua chuyên nghiệp; một số mô hình sản xuất tự phát, chưa chú trọng quy hoạch phát triển sản xuất.

Đây cũng là vấn đề được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại hội nghị tổng kết đề án, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tổ chức Đoàn cần xác định rõ vai trò và nhiệm vụ trong việc hỗ trợ và dẫn dắt người trẻ phát huy tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là phải gắn với Đề án Cố đô khởi nghiệp của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất, liên kết hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau.

Bài, ảnh: Minh Nguyên