Lễ đón Tổng thống nước Cộng hòa Uganda Yoweri Kaguta Museveni tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nằm ở vùng Đông Phi, Uganda có nguồn tài nguyên phong phú, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra, Uganda còn có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá và công nghiệp chế biến sữa. Từ năm 2007, Chính phủ Uganda đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn quốc gia về “Chuyển đổi Uganda từ một xã hội nông nghiệp thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng trong vòng 30 năm”. Ngày 18/4/2013, Uganda đã đề ra Tầm nhìn Uganda 2040 với các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn này với sáu lĩnh vực ưu tiên gồm: cơ sở hạ tầng; khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới; sử dụng và quản lý đất đai; đô thị hóa; phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm hòa bình, an ninh và quốc phòng.

Với Tầm nhìn 2040 trở thành nước có thu nhập trung bình, Uganda đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ và triển khai các chính sách thương mại-đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Năm 2018, kinh tế Uganda bắt đầu khởi sắc, với tăng trưởng GDP đạt 6,1% (tăng 30% so với giai đoạn từ 2010-2016) và đã được Liên hợp quốc ghi nhận nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo đói trung bình từ 70% xuống còn khoảng 20% dân số. Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, Uganda vẫn nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 với 3%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Uganda 3,4%, GDP đạt 40,43 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 894 USD (năm 2021, theo Ngân hàng Thế giới). Các đối tác thương mại chính của quốc gia Đông Phi này hiện nay là Trung Quốc, Mỹ, Kenya, UAE, Ấn Độ, Nhật Bản…

Là thành viên Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Thị trường chung Đông Nam châu Phi (COMESA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), Uganda tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và giải quyết một số cuộc xung đột tại châu Phi. Uganda từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 1986, 1981-1982, 2009-2010 và sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Phong trào Không liên kết nhiệm kỳ 2023-2026.

Việt Nam và Uganda thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/2/1973. Uganda trước đây đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn và các cơ chế hợp tác. Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Uganda đang phát triển tốt đẹp. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Uganda từng bước được thúc đẩy. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 14,3 triệu USD, tăng 39,8% so với năm 2020. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sắt thép, sản phẩm dệt may, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại và linh kiện; nhập khẩu chủ yếu thức ăn gia súc và nguyên liệu, cà-phê, gỗ và sản phẩm gỗ. Tính đến tháng 10/2022, Uganda đầu tư trực tiếp ba dự án tại Việt Nam với tổng vốn 90.000 USD. Việt Nam có hai dự án đầu tư sang Uganda với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD trong các lĩnh vực khai khoáng và xây dựng. Hai nước có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Uganda đã cử các đoàn tới Việt Nam để làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Uganda diễn ra vào thời điểm hai nước tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni thành công tốt đẹp, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Theo nhandan.vn