Cán bộ Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh

Kết hợp nhiều cách tư vấn thí sinh

Ngay trong tháng 11/2022, sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh của năm, các đơn vị đào tạo ĐH tại Huế bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển sinh 2023. Điểm nổi bật là dựa trên tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, các trường sẽ kết hợp nhiều cách để tiếp cận, tư vấn, quảng bá tuyển sinh và hướng nghiệp cho thí sinh, bao gồm cả những kênh đang là “hot trend” (xu hướng thịnh hành) của giới trẻ.

ThS. Phan Thanh Tiến, phụ trách công tác tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, ngoài các kênh tư vấn truyền thống kết hợp tư vấn trên facebook, zalo, mùa tuyển sinh 2023, Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ triển khai hoạt động tiếp cận, tư vấn qua tiktok, nơi rất nhiều giới trẻ quan tâm. Nhà trường sẽ xây dựng, chuyển tải thông tin tuyển sinh dưới dạng ngắn, nhưng đáp ứng mức độ cơ bản để thí sinh tiếp cận. Các thông tin dữ liệu mới về ngành nghề, dự báo thị trường lao động sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ được rà soát để cập nhật lại, nhằm mang đến thông tin cần thiết cho thí sinh.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19, hoạt động quảng bá tuyển sinh, tư vấn, hướng nghiệp cho người học sẽ được tập trung trở lại với hình thức trực tiếp. Đại diện bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Luật, ĐH Huế cho biết, kế hoạch tuyển sinh tới đây, đội ngũ tư vấn - quảng bá tuyển sinh sẽ đi khắp các trường ở miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên để giới thiệu và tư vấn thông tin tuyển sinh mới cho người học. Việc hướng nghiệp sẽ được phối hợp chặt chẽ với cán bộ, giáo viên các trường trung học phổ thông nhằm định hướng cách chọn ngành, chọn nghề cho học sinh lớp 12 một cách phù hợp nhất.

TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, một trong những hoạt động thiết thực mà nhà trường sẽ triển khai tại 23 trường trung học phổ thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là cử cán bộ đi dạy hướng nghiệp, trang bị kiến thức chọn ngành, chọn nghề với các bài giảng mở, sát thực tế. Mỗi chương trình, các trường trung học phổ thông bố trí cho cán bộ của trường 2 giờ đồng hồ để hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách hiểu bản thân gắn với chọn ngành, nghề theo sở trường, đam mê, xu hướng nghề nghiệp, điều kiện kinh tế. Mô hình kết hợp giữa hai bậc học để không chỉ thu hút thí sinh mà quan trọng nhất là phải hướng nghiệp cho người học đúng năng lực, điều kiện cá nhân. Đội ngũ cán bộ ĐH sẽ bổ sung những thông tin mà các trường trung học phổ thông khó có điều kiện để nắm bắt sâu về ngành nghề, thị trường việc làm, từ đó cùng định hướng một cách tốt nhất cho học sinh.

Năm nay, kế hoạch tuyển sinh được các đơn vị đào tạo ĐH chuẩn bị sớm hơn. Ngay cuối tháng 12/2022, đầu tháng 1/2023, nhiều đơn vị sẽ bắt đầu triển khai các chương trình tư vấn, hướng nghiệp tập trung để giúp thí sinh tiếp cận thông tin sớm hơn, có thời gian cân nhắc cho việc đăng ký vào các ngành, nghề ở các trường ĐH.

Đừng bỏ qua ý kiến chuyên gia

Năm 2022, mặc dù kết quả tuyển sinh chung cơ bản đạt yêu cầu nhưng trên toàn quốc vẫn xuất hiện tình trạng thí sinh trượt nguyện vọng yêu thích vì các lỗi chủ quan, sai sót; lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp năng lực, điều kiện của bản thân.

Theo các chuyên gia giáo dục, vấn đề trên xuất phát từ lỗi rất lớn của thí sinh khi công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được rất nhiều đơn vị triển khai nhưng thí sinh vẫn xem nhẹ, thậm chí tiếp cận các thông tin tuyển sinh một cách hời hợt; lựa chọn ngành nghề theo phong trào hoặc nghe theo sự định hướng của người khác mà không phù hợp với năng lực của chính mình.

TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế phân tích, điển hình như với cùng tổ hợp môn thế mạnh của thí sinh, nhưng có khá nhiều ngành nghề với nhiều sự lựa chọn. Ngành nghề này có thể phù hợp với thí sinh này, lại không phù hợp thí sinh khác. Đó cũng là lý do mà nhiều năm qua, thực trạng chọn ngành nghề không đúng khiến thí sinh bỏ học ngay từ năm 1 để lựa chọn ngành nghề khác.

Lãnh đạo các trường ĐH nhấn mạnh, tận dụng ý kiến các chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp ở các trường ĐH cũng là quyền lợi của thí sinh. Người học có quyền được bày tỏ các thắc mắc, vấn đề thí sinh chưa rõ hoặc có thể chia sẻ về nguyện vọng, năng lực, sở thích cá nhân để nhờ các chuyên gia đưa ra các gợi ý sát hơn, phù hợp với điều kiện từng thí sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc