Nâng cao năng lực ứng phó trước phòng vệ thương mại là trọng tâm hội nghị do Sở Công thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương vừa tổ chức ngày 22/11. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động ứng phó với khả năng bị các nước áp dụng các phòng vệ thương mại để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và các ngành sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và cũng đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 đối tác thương mại. Các hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại; trong đó nổi bật là rào cản phòng vệ thương mại. Đây là công cụ hạn chế nhập khẩu được WTO và các FTA cho phép các thành viên sử dụng trong những điều kiện nhất định. Công cụ này gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ bị kiện và cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thực tế, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, các nước đã tiến hành 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Còn riêng trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời... (trong đó có 7 vụ việc điều tra chống lẩn tránh). Điều chú ý, các sản phẩm xuất khẩu có mức tăng trưởng cao rất dễ trở thành đối tượng bị điều tra chống bán phá giá, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Chẳng hạn, mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu của Thừa Thiên Huế có mức tăng trưởng cao trên 30%/năm, rất dễ nằm vào "tầm ngắm".
Ở chiều ngược lại, từ năm 2013, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… Đến nay, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Điều này cho thấy, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng.
Trên tổng thể là như vậy, có bị kiện và có đi kiện. Tuy nhiên, số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt là ‘bị đơn” nhiều hơn là “nguyên đơn”. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng rất cần sự thay đổi, đảo chiều. Tức là, doanh nghiệp cần mạnh dạn đi kiện nhiều hơn và cần biết kiện đúng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước. Để làm được điều này, ngoài sự cảnh báo sớm, hỗ trợ pháp lý của các cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia hiểu biết về luật pháp để có thể theo dõi, ứng phó linh hoạt trong việc áp dụng/bị áp dụng phòng vệ thương mại.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý…
Trong quá trình hội nhập quốc tế, “bị kiện’ và “đi kiện” theo khuôn khổ của quy định thương mại quốc tế là hai mặt song hành; đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó, nhanh nhạy hơn, có cạnh tranh tốt hơn để mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích người lao động và nền kinh tế.
Hoàng Minh