Một số loài cây dược liệu ở địa hương được khách hàng tin dùng

Cây dược liệu ở Thừa Thiên Huế được xác định đa dạng về chủng loại, có giá trị cao trong y học và kinh tế, nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển sản xuất xứng tầm.

Theo thống kê từ các công bố về các loài thực vật có tác dụng làm thuốc cho thấy, Thừa Thiên Huế có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Trong đó có nhiều cây dược liệu quý, như tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía...

Tính riêng kết quả điều tra thành phần loài cây dược liệu tại một số vùng điển hình ở Vườn Quốc gia Bạch Mã của Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm cùng cộng tác viên đã thu mẫu và giám định được 112 loài thuộc 58 họ thực vật khác nhau, chưa kể khoảng hơn 10 loài người dân địa phương thường dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền. Phân loại theo công dụng làm thuốc, số loài điều tra được xếp thành các nhóm trị bệnh: đường tiêu hóa (15 loài), tiết niệu (14 loài), phụ khoa (10 loài), hô hấp (6 loài), tai mũi họng (5 loài), ngoài da (17 loài), sốt rét (4 loài), trị bệnh thông thường và các bệnh khác (62 loài) và nhóm thuốc bổ (9 loài). Dù địa bàn nghiên cứu hẹp, chưa đại diện cho toàn vùng nhưng kết quả cũng chứng minh được cây dược liệu ở riêng rừng Bạch Mã rất phong phú, đa dạng.

Sở hữu nhiều lợi thế, song giá trị của cây dược liệu hiện nay chưa được tổ chức sản xuất mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.

Đáng mừng gần đây, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân phối hợp triển khai các chương trình, dự án trồng, khôi phục một số loài cây dược liệu ở các địa phương phía tây tỉnh nhà. Mới đây, dự án "Trường Sơn Xanh" có tổng kinh phí gần 10 triệu USD do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Hương Trà nhằm hướng dẫn người dân sống gần rừng, khu vực vùng đệm các khu bảo tồn tham gia trồng cây dược liệu với các giống cây bản địa tại địa phương, như: ba kích, bồng bồng, bách bệnh, thiên niên kiện... nhưng chỉ còn phạm vi hẹp.

Hiện nay Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung đang nghiên cứu đề tài khoa học "Đánh giá tài nguyên các loài cây thuốc dược liệu và phát triển công nghệ hóa dược tại Thừa Thiên Huế". Theo đó, xây dựng danh mục 200 cây thuốc chữa bệnh theo tri thức bản địa. Trong đó, phát hiện 7 loài: Tầm bóp, xà căn ba vì, chó đẻ răng cưa, bình vôi, an xoa, kê huyết đằng, nghệ vàng có hoạt tính gây độc đối với 5 dòng tế bào ung thư. Trong số này có 3 loài là an xoa, xà căn ba vì và tầm bóp có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư vú, tụy, phổi...

Theo đánh giá, những loài cây trên dễ trồng, khả năng sinh trưởng nhanh, phù hợp khí hậu ở Thừa Thiên Huế, tuy nhiên hiện nay nó vẫn ở trong đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhiều hội thảo, hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển cây dược liệu có quy mô lẫn nhu cầu tiêu thụ, cần chiến lược, lộ trình phát triển vùng nguyên liệu bài bản, đảm bảo bền vững. Mong rằng, các ngành chuyên môn, địa phương và doanh nghiệp (DN) cần sớm “bắt tay” nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng. Trong đó, DN phải là cánh tay nối dài trong việc kế thừa thành quả nghiên cứu khoa học, để xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hình thành vùng cây dược liệu phát triển ổn định, bền vững, nhằm bảo tồn giá trị y học, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân...

Bài, ảnh: SongVăn