Triều Nguyễn kéo dài 143 năm, để lại một kho tàng văn hóa và tri thức khổng lồ, trong số đó không thể không kể đến tinh hoa Đông y được đúc kết từ nhiều thế hệ, được xem như biểu tượng mạnh mẽ của nền Đông y Việt Nam. Đỉnh cao hội tụ là Thái Y viện trong hậu cung, quan phòng chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng cung. Thái Y viện được thành lập vào năm Gia Long thứ nhất (1802); đến năm 1804, cơ bản được hoàn thành.

Và, Thừa Thiên Huế tự hào không chỉ có Thái Y viện đầy bí ẩn. Một khảo sát cho thấy, bên cạnh các di sản văn hóa, hệ thống di tích, chùa chiền, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp mắt, Thừa Thiên Huế tới 7 nguồn nước khoáng nóng và 2 trong số đó đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ cho sức khỏe và du lịch.

Người Huế không chỉ coi trọng việc chế biến món ăn ngon, đẹp mắt, mà còn chú trọng đến các yếu tố y lý cổ truyền, cụ thể là những vị thuốc trong món ăn. Với điều kiện “mưa dầm nắng gắt” như xứ Huế, việc kết hợp cây thuốc, vị thuốc trong món ăn hằng ngày là một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu, có tính thường xuyên. Vì vậy, không chỉ món ăn cung đình, món ăn quý tộc mà món ăn dân gian Huế cũng đều hàm chứa chức năng y học.

Huế có Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion ở suối khoáng nóng Thanh Tân, và Kawara Mỹ An Onsen ở Huế. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng ở những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên. Ngay trong nội đô cũng có hệ thống khách sạn kết hợp dịch vụ khám, chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền.

Đọc lại những ghi chép về Thái Y viện xưa thấy chuyện chữa bệnh nơi chốn hậu cung đầy công phu và lắm những cực hình. Ví như, các ngự y trong Thái Y viện nếu chữa được khỏi bệnh cho người trong hoàng cung, đặc biệt là bệnh của vua thì vinh quang nhận được cũng ít ai sánh bằng. Còn ngược lại, nếu vua uống thuốc mà vẫn trọng bệnh, chẳng may bị qua đời, ngay lập tức các quan ngự y trở thành kẻ phạm tội, bị bắt tống giam.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 163 chép: “Giam hai thầy thuốc là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục. Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế yếu nặng, bọn Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là: bọn Hạ biết mà không nói, là bất trung; dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Xin khép vào tội trảm giam hậu”.

Thái Y viện được xem là nơi hội tụ tinh hoa của Đông y Việt Nam. Nơi đây, bên cạnh nhiều bài thuốc hay và phương pháp chữa bệnh độc đáo cũng cho thấy cách chọn ngự y và nguyên tắc vận hành đầy nghiêm ngặt. Công việc của ngự y quả đúng với câu “làm bạn với vua như làm bạn với hổ”. Thiết nghĩ, đó cũng là cái khó cho dự án Đại Nam Thái Y đường được xem là hướng tiếp cận khai thác những giá trị của Thái Y viện xưa trong khám, chữa bệnh và phát triển du lịch ở vùng đất Cố đô.

ĐAN DUY