Bão Noru vào tháng 9/2022  gây thiệt hại lớn cho hạ tầng và hoa màu trên địa bàn TP. Huế

Năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, diễn biến thiên tai, thời tiết có xu hướng ngày càng phức tạp, khó dự đoán, nhiều biểu hiện thiên tai bất thường, không theo bất kỳ quy luật nào, nhất là đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực đến đời sống nhân dân và hạ tầng đô thị, nông thôn cũng như kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong năm 2021, trên địa bàn TP. Huế chịu ảnh hưởng của 16 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, gây ra 8 đợt rét; 10 đợt nắng nóng diện rộng; 13 đợt mưa diện rộng và mưa lớn diện rộng; ảnh hưởng trực tiếp của 5 hoàn lưu bão và 01 áp thấp nhiệt đới. Những tháng đầu năm 2022, tình hình mưa lớn xảy ra đã làm thiệt hại về kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn.

Để hạn chế thiệt hại, UBND thành phố, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các văn bản liên quan của các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh, của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Trước, trong và sau mỗi đợt thiên tai, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, đồng thời xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai và công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai.

Đảm bảo an toàn cho người dân trong bão, lũ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song nhấn mạnh, qua các đợt ứng phó với bão lũ, thành phố có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo ứng phó với các diễn biến của thời tiết. Sau ngày 1/7/2021, việc sáp nhập thêm các phường, xã thuộc vùng gò đồi và ven biển đã đặt ra cho thành phố nhiều trăn trở, bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng các kịch bản và đưa các kịch bản ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, bờ sông, ven sông vào thực tiễn ứng phó đối với các khu vực này.

Thời gian tới, thành phố đề nghị các đơn vị, địa phương làm tốt công tác chỉ huy tại chỗ, tất cả các phương án ứng phó do tỉnh và thành phố ban hành phải được cụ thể hóa để đưa vào thực tiễn chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của mỗi đơn vị, địa phương. Tùy thuộc vào địa bàn quản lý, các phường, xã và cơ quan thuộc ban chỉ đạo phải khẩn trương rà soát, củng cố và duy trì lực lượng tại chỗ thường xuyên nhằm chủ động phòng chống thiên tai và triển khai công tác cứu nạn cứu hộ khi có yêu cầu. 

Tin, ảnh: THANH HƯƠNG