Trung Quốc đang nỗ lực chống dịch COVID-19 lây lan. Ảnh minh họa: Reuters/Người Lao động

Cụ thể, ngày càng có nhiều khu chung cư ở Bắc Kinh cấm cư dân được ra ngoài, ít nhất là trong vài ngày. Đây được xem là một trong những lệnh cấm đang ngày càng nghiêm ngặt, tác động mạnh lên các hoạt động kinh doanh, buộc các trung tâm thể dục thể thao phải đóng cửa và các nhà hàng phải ngừng phục vụ ăn uống tại chỗ.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiều người bị ảnh hưởng ở cấp thành phố và các biện pháp “ở tại chỗ” được thực thi ở mức độ nào ở Bắc Kinh, thành phố có dân số khoảng 22 triệu người.

Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc cho biết: “Bạn liên tục nghe được thông tin rằng khu vực của một ai đó sắp bị phong tỏa và bạn luôn có cảm giác mình sẽ là người tiếp theo”.

Trong đó, ông ước tính khoảng 40% số người trong khu văn phòng của ông đã bị phong tỏa.

Chính quyền đã không tuyên bố phong tỏa toàn thành phố và cảnh báo rằng họ đang trong giai đoạn “quan trọng” để kiểm soát đại dịch lây lan.

Trong một thông tin có liên quan, số ca nhiễm COVID-19 tại địa phương đã tăng, bất chấp các biện pháp phòng chống COVID-19 đã dần được thắt chặt trong 2 tuần vừa qua. Ghi nhận đến giữa tuần này, thành phố Bắc Kinh đã báo cáo hơn 1.800 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trong tháng lên hơn 10.000 trường hợp.

Riêng ngày 25/11, toàn Trung Quốc ghi nhận 32.695 ca nhiễm mới trong cộng đồng, mức cao kỷ lục ghi nhận từ đầu dịch đến nay.

Dữ liệu cũng cho thấy, những người ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đang di chuyển ít hơn, dù tự nguyện hay không. Cụ thể, trong thống kê thành phố đông đúc nhất Trung Quốc, Bắc Kinh đã sụt giảm từ vị thứ đầu tiên xuống còn vị thứ 74.

Chính quyền trung ương đã gửi một tín hiệu đáng khích lệ tới các nhà đầu tư về việc mở cửa trở lại trong tương lai bằng cách cắt giảm thời gian cách ly, cùng với nhiều những thay đổi khác. Tuy nhiên, với tình hình đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, khả năng điều chỉnh có thể sẽ khó diễn ra.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)