Quản lý dịch hại trên cây thanh trà

Thanh trà giờ đây không còn là cây thoát nghèo mà trở thành cây ăn quả giúp gia đình ông Phan Xuân Hùng cũng như nhiều hộ dân Phong Thu (Phong Điền) vươn lên khá giả.

Vườn thanh trà của ông Hùng có trên 200 cây được trồng từ sau giải phóng đến nay đều cho thu hoạch sản phẩm hàng năm.

Mới đây, ông Hùng còn trồng thêm cam, quýt, bưởi da xanh, bưởi hồng… nhằm đa dạng hoá cây ăn quả và tận dụng quỹ đất trong vườn. Với diện tích thanh trà và một số cây ăn quả cho thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình ông Hùng thu nhập 150-200 triệu đồng.

Ông Hùng chia sẻ, nhiều loài cây ăn quả phù hợp với vùng đất Phong Thu, sinh trưởng tốt, cho thu nhập khá cao. Nhờ cây thành trà, cây ăn quả giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ ở địa phương ổn định cuộc sống, tích luỹ vốn, sửa chữa, xây dựng nhà cửa.

Điều ông Hùng và người dân lo lắng, nhiều cây thanh trà, cam… thường bị một số loại sâu bệnh gây hại. Trong đó, các bệnh nguy hiểm như chảy gôm, muội đen, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá greening… ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Người dân đã sử dụng nhiều biện pháp bằng kinh nghiệm kết hợp hướng dẫn của cán bộ khoa học nhưng bệnh vẫn chưa triệt để, thậm chí có nguy cơ lây lan diện rộng. Các loại bệnh trên cây ăn quả chủ yếu tập trung tại xã Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân (TX. Hương Trà), Thủy Biều (TP. Huế), Hương Phú, Thượng Quảng (Nam Đông)…

Kiểm tra vườn thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP 

Chủ tịch UBND xã Phong Thu, ông Nguyễn Hữu Nam thông tin, chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi, giám sát, kết hợp hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, đặc biệt là thanh trà. Địa phương khuyến cáo người dân chỉ áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học; bón phân, chăm sóc cây trồng một cách hợp lý, đảm bảo tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.

Ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thuỷ Biều (TP.Huế) cho biết, các loại bệnh như chảy gôm, muội đen… hầu như năm nào cũng xảy ra, chủ yếu trên một số cây bị già hoá, chăm sóc kém, hoặc gặp thời tiết diễn biến phức tạp. Địa phương, người dân không chủ quan, lơ là mà đang tích cực triển khai chăm sóc, phun thuốc phòng trừ nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa nguy cơ bệnh lây lan trên diện rộng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, tính đến ngày 26/11, trên địa bàn tỉnh có khoảng 250ha thanh trà, cam… bị bệnh chảy gôm, muội đen… với tỷ lệ bệnh từ 5-10%, nơi cao 20-30%. Trong đó, khoảng 162ha bị bệnh chảy gôm và 87ha bệnh muội đen. Các đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá greening... gây hại rải rác với mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.

Chăm sóc vườn thanh trà 

Trên cây bưởi thanh trà hiện nay thường xuất hiện nhiều bệnh do các loại nấm gây ra như bệnh muội đen, thán thư, chảy gôm. Trong đó, bệnh chảy gôm thường làm cho cây sinh trưởng còi cọc, không đủ dinh dưỡng nuôi quả nên tỷ lệ quả đậu rất ít và quả nhỏ. Bệnh nặng có thể gây chết cây, gây thiệt hại lớn đối với các hộ trồng thanh trà.

Dự báo thời gian đến, trên cây ăn quả có khả năng tiếp tục phát sinh, lây nhiễm các loại bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục cành, rệp... gây hại. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành sâu bệnh, khơi thông mương thoát nước tốt cho vườn nhằm hạn chế ngập úng do mưa, lây truyền bệnh.

Người dân cần tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, đặc biệt bón phân chuồng hoai mục giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh gây hại, quản lý và phòng trừ bệnh chảy gôm. Đồng thời tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ