Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Phú Yên kiểm tra hướng tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam đi qua

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, các địa phương vấp phải nhiều vướng mắc cần sớm được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, gỡ khó để có sự thống nhất giữa các địa phương và thực hiện đúng quy định.

Nỗ lực bàn giao 70% mặt bằng

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II đoạn qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, dài 126,79km; tổng mức đầu tư hơn 24.282 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, đến ngày 21/11, các địa phương có tuyến cao tốc bắc-nam đi qua đã hoàn thành trích đo hiện trường đạt 100%; các địa phương cũng kiểm đếm tài sản trên đất đạt 99,44%.

Cụ thể, đoạn Vũng Áng-Bùng dài 55,34km (qua tỉnh Quảng Bình dài khoảng 43,8km), tổng mức đầu tư 9.931,38 tỷ đồng; đoạn Bùng-Vạn Ninh 49,99km, tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng; đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ 65,5km (qua địa phận Quảng Bình 32,95km), tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 3.082 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó 662 hộ dân tại 22 xã thuộc diện tái định cư, dự kiến bố trí 29 khu tái định cư với diện tích 82,98ha; hơn 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng, chính quyền xác định bố trí 17 khu nghĩa trang cho 3.382 ngôi mộ tại 15 xã, số còn lại đang được di dời vào các khu nghĩa trang hiện có. Đến ngày 21/11, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cơ bản bàn giao đủ 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp theo đúng cam kết với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

Tại Quảng Trị, đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành đo đạc địa chính thu hồi đất xây dựng; kiểm kê cây cối, hoa màu và tài sản trên đất đối với dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua địa bàn, chiều dài 32,53km, đạt 100%. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị Trần Ngọc Sơn, tỉnh đã bàn giao mặt bằng 23,1km/32,53km, đạt 71% (huyện Vĩnh Linh bàn giao 10,5km/14,25km; Gio Linh 8km/11,9km; Cam Lộ 4,6km/6,38km); phần mặt bằng còn lại do liên quan việc xây dựng khu tái định cư cho nên dự kiến bàn giao trong quý II/2023, bảo đảm điều kiện để khởi công dự án trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tương tự, đoạn qua địa bàn Phú Yên có 2 dự án thành phần, gồm đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh-Vân Phong. Hai dự án có tổng chiều dài hơn 90km, đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã giao nhiệm vụ cho các địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm.

Cụ thể, các chủ đầu tư các địa phương đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đạt 100%. Toàn bộ chiều dài tuyến đã được kiểm đếm với 5.113 hộ bị ảnh hưởng đạt 100%. Toàn dự án có 407 hộ dự kiến bố trí tái định cư, đồng thời cải táng 2.999 ngôi mộ. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Yên xây dựng 12 khu tái định cư với diện tích 20,92ha. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết, do 3 khu tái định cư huyện chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thu hồi đất cho nên địa phương đã kiến nghị đăng ký bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2022.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông qua tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc phê duyệt hồ sơ trích đo, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Việc triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án khu tái định cư, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan còn chậm…

Tại cuộc họp mới đây với đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan dự án, ông Lâm cũng đề nghị các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở bàn giao mặt bằng theo tiến độ.

Tỉnh Quảng Bình hiện vẫn còn 27 hộ dân có công trình cơi nới, lấn chiếm nằm trong phạm vi tuyến đường cao tốc, trong đó có 20 hộ ở huyện Quảng Trạch và 7 hộ tại huyện Lệ Thủy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết, huyện tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận và phối hợp thực hiện di dời tài sản, bàn giao mặt bằng cũng như không lấn chiếm trở lại phần diện tích đã bàn giao; tiến hành thẩm định, phê duyệt và chi trả kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoàn thiện công tác quy hoạch các khu tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt; triển khai việc lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt và thực hiện công tác di dời các hạ tầng trên tuyến.

Để thống nhất xác định quy mô khu tái định cư trong phạm vi công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông trên toàn quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đề nghị, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng diện tích lô đất tái định cư trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt tại Văn bản số 464/TTg-CN ngày 25/5/2022 để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Cụ thể, quy mô lô đất tái định cư là 600m2/lô (gồm 300m2 đất ở và 300m2 đất vườn) trong cùng một thửa đất.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cũng đánh giá, do có sự khác nhau giữa hướng tuyến khả thi và tiền khả thi cho nên vị trí thực tế và kế hoạch sử dụng đất được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bị lệch nhau. Việc thay đổi hướng tuyến tuy không thay đổi diện tích đất thu hồi (khoảng 433ha) nhưng cũng gây ảnh hưởng các khu chức năng, chưa bảo đảm điều kiện cập nhật kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đến nay, tỉnh Phú Yên vẫn chưa ban hành quyết định quy định về đơn giá bồi thường cây trồng liên quan dự án đường bộ cao tốc bắc-nam do gặp nhiều vướng mắc.

Tại tỉnh Quảng Trị, quá trình thực hiện đo đạc, kiểm đếm, giải phóng mặt bằng hơn 266.700m2 đất trồng cao-su của Công ty Cao-su Quảng Trị (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam) quản lý, sử dụng, huyện Gio Linh đã chi trả bồi thường hơn 8,1 tỷ đồng (tương ứng diện tích hơn 221.700m2); phần diện tích còn lại đang áp giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, tại khu vực xây dựng các khu tái định cư của dự án cần thu hồi đất trồng cao-su, rừng sản xuất do Công ty Cao-su Quảng Trị quản lý, với diện tích khoảng 17,42ha.

Để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Công ty Cao-su Quảng Trị hoàn thành bàn giao phần mặt bằng đã nhận tiền bồi thường; diện tích hơn 45.000m2 đang áp giá bồi thường, hỗ trợ, cần sớm thống nhất phương án bồi thường và nhận tiền, bàn giao mặt bằng trong tháng 11/2022.

Để giải quyết khó khăn do có quy định đơn giá bồi thường cây trồng liên quan đến dự án đường bộ cao tốc bắc-nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện công tác bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 90, của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, do quy định này có một số nội dung chưa rõ ràng dễ dẫn đến việc thực hiện lúng túng, không thống nhất cho nên tỉnh Phú Yên đã có các văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn về công tác bồi thường đối với cây trồng theo quy định.

Theo nhandan.vn