Cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho người dân tại Trung tâm Y tế Quảng Điền
Ông Lê T. ở Thủy Phương, Hương Thủy, thời gian gần đây phải đến Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã thăm khám, nhận thuốc thay vì ở Trạm Y tế phường để điều trị căn bệnh kinh niên. Lý do là Trạm Y tế phường thông báo đã hết thuốc. Ông Lê T. nói: “Tôi bị thiểu năng tuần hoàn não, được bác sĩ kê ba loại thuốc về uống. Những lần trước phải mua bên ngoài, gặp khó khăn về tài chính nên phải lên trung tâm”.
Một nữ bệnh nhân khác ở Quảng Điền chia sẻ, trước đây bà cũng phải mua thuốc điều trị dạ dày khi khám, chữa bệnh ở địa phương do không có thuốc, cũng may tình trạng này không kéo dài.
BSCKII. Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT Hương Thủy giải thích, nếu nói mặt hàng về thuốc có thể thiếu, song để vận dụng thuốc thay thế thì trung tâm vẫn đảm bảo trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân.
ThS.BS. Nguyễn Hoài Nhân, Phó Giám đốc TTYT huyện Quảng Điền cho rằng, việc thiếu thuốc ở một số thời điểm vẫn có, như khi giao thời giữa đấu thầu cũ và mới. Hơn nữa, quá trình đấu thầu kéo dài nên dễ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc. Tuy nhiên, đơn vị cũng lên phương án dự trù trong lúc chờ đấu thầu đợt mới. Cũng có tình trạng nhà thầu không đấu trúng, hoặc không có hồ sơ tham gia đấu thầu nên dẫn đến tình trạng thiếu thuốc điều trị dạ dày: Omeprazol, Isoprazol; nhóm kháng sinh tiêu hóa; thuốc hạ huyết áp Amlodipine…
Nguyên nhân khách quan là việc đấu thầu còn một số bất cập, đặc biệt là gói thầu thuốc tập trung cấp quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp thuốc cho đơn vị y tế phục vụ công tác KCB. BSCKII. Lê Quang Hiệp, Giám đốc TTYT thị xã Hương Trà thông tin, trước đây có một số loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia chưa có, chủ yếu là kháng sinh kháng viêm cephalosporin thế hệ 3, song sau đó đã được cung cấp. “Tình hình thuốc phục vụ KCB BHYT tại Hương Trà tạm ổn. Chúng tôi chủ động đấu thầu dựa trên mô hình bệnh tật tại địa phương”, ông Hiệp nói thêm.
Tình trạng thiếu thuốc cục bộ xảy ra một số nơi và một số thời điểm nguyên nhân là do số bệnh nhân khám, chữa bệnh sau dịch COVID-19 tăng. Có trường hợp khách quan không được lựa chọn sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự, sản phẩm giá dự thầu cao hơn giá dự kiến (mặt hàng tăng giá hoặc một số thuốc thuộc danh mục hiếm không còn được sản xuất). Dịch COVID-19 cũng tác động đến việc nhập khẩu thuốc, một số quốc gia hạn chế xuất khẩu biệt dược.
Nhằm chủ động trong việc đấu thầu thuốc, TTYT Quảng Điền đã chủ trương thực hiện chính sách bằng việc lựa chọn vật tư y tế phù hợp để nhà thầu tham gia đấu thầu và xây dựng phương án đấu thầu có thể nhiều gói thầu. Trong khi đó, tại TTYT thị xã Hương Thủy, hàng tháng, hàng quý đơn vị tổ chức rà soát công tác xuất nhập, tồn kho, chiều hướng mô hình bệnh tật trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề nghị Sở Y tế cho phép bổ sung nếu thiếu. Các bệnh có chiều hướng giảm sẽ báo cáo, xem xét xin điều chuyển đến các đơn vị bị thiếu. “Riêng mặt hàng thuốc gây mê do quá ít nên không có nhà thầu nộp hồ sơ, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị khác để mua”, ông Vỹ nêu phương hướng.
Theo PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh việc các gói thầu vẫn còn thời hạn thì Thừa Thiên Huế là địa phương có cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn. Các cơ sở này với Sở Y tế đã có sự phối hợp, liên thông chặt chẽ nên Thừa Thiên Huế chưa bị tác động bởi tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế như một số nơi khác. “Công tác đấu thầu của chúng ta chủ động từ đầu và có tầm nhìn. Các TTYT cũng xin bổ sung, điều chỉnh nên không xảy ra thiếu thuốc, nhu cầu khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc BHYT trên địa bàn vẫn đảm bảo”, Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2022, nhiều gói thầu về thuốc, vật tư y tế cho KCB BHYT hết hiệu lực. Tại một cuộc họp báo mới đây của BHXH Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) khuyến nghị: “Một số loại thuốc cần tiếp tục gia hạn. Nhằm tránh hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế, các bên liên quan cần tập trung thực hiện các gói thầu, tiến hành việc gia hạn một số loại thuốc, đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá với một số loại thuốc, nhất là những thuốc đặc biệt quan trọng, qua đó bảo đảm tốt nhất các quyền lợi cho người tham gia BHYT”.
Bài, ảnh: LINH TUỆ